Nguồn: DW - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Thỏa thuận lương thực đã ký kết ngày 22-7 giữa Nga và Ukraine được xem là trái ngọt cho vai trò trung gian của Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 tháng qua, nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen của Ukraine cũng như tạo điều kiện cho các chuyến hàng ngũ cốc và phân bón của Nga.
Hạ nhiệt khủng hoảng
Liên Hiệp Quốc cảnh báo có thể có đến 49 triệu người ở 46 quốc gia trên thế giới sẽ bị thiếu đói trong năm 2022 do khủng hoảng lương thực toàn cầu. Ngân hàng Thế giới dự đoán chiến sự tại Ukraine sẽ khiến thêm 95 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực và 50 triệu người thiếu đói nghiêm trọng trong năm nay.
Cả Ukraine và Nga đều là những nhà xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Trước chiến sự, Ukraine xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng, khoảng 90% qua các hải cảng ở Biển Đen như cảng Odessa - nơi có những kho hàng lớn chứa lương thực.
Sau khi mở cuộc chiến ở Ukraine vào ngày 24-2, các hạm đội của Nga đã phong tỏa các cảng biển của Ukraine ở Biển Đen, chặn đường cung ứng lương thực từ nước này ra ngoài. Ukraine cũng đóng cửa cảng và ngừng khai thác đường bờ biển ngoài khơi Odessa để phòng thủ trước các nỗ lực đổ bộ của quân Nga.
Việc người mua nước ngoài, giao dịch mua bán lương thực của Ukraine không thể tiếp tục vì không công ty nào muốn gửi tàu đến các bến cảng có thể là mục tiêu tấn công của tên lửa Nga. Kể cả khi họ dám chấp nhận rủi ro, phí bảo hiểm và phí vận chuyển cũng tăng ngoài tầm kiểm soát.
Với thỏa thuận ở Istanbul vào ngày 22-7, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay có cơ may hạ nhiệt. Theo thỏa thuận, các bên thống nhất tạo ra một hành lang an toàn cho việc vận chuyển ngũ cốc, trong đó có sự tham gia của các tàu hộ tống từ hải quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Các tàu hàng sẽ được kiểm tra để đảm bảo chúng chỉ chở ngũ cốc và phân bón chứ không phải vũ khí. Hoạt động này sẽ do một trung tâm kiểm soát do các quan chức Liên Hiệp Quốc, Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ điều hành và giám sát chung.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko, các bên trong thỏa thuận có trách nhiệm đảm bảo hoạt động của tuyến đường xuất khẩu lương thực ở Biển Đen an toàn.
Nga cũng hưởng lợi
Một ngày trước khi thỏa thuận 4 bên về xuất khẩu lương thực của Ukraine được ký kết, Liên minh châu Âu ra quyết định cho phép giải phóng các nguồn tiền sử dụng để mua sắm, nhập khẩu và vận chuyển vật tư nông nghiệp và thực phẩm của Nga. Theo đó, các ngân hàng được chi trả cho các công ty nông nghiệp và thực phẩm của Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hy vọng điều này sẽ tạo điều kiện cho việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga không bị cản trở, bảo vệ an ninh lương thực toàn cầu.
Thỏa thuận được ký kết là tin mừng, dù mối nguy từ thủy lôi trôi nổi trên Biển Đen chưa có lời giải. Ukraine cáo buộc Nga đã đánh cắp thủy lôi của họ rồi thả trôi, trong khi phía Nga nói các thủy lôi của Ukraine tự trôi nổi.
Theo trang tin Vox, các chuyên gia cho rằng ngay cả khi đã ký kết được thỏa thuận, cần phải rà phá để loại bỏ thủy lôi ở Biển Đen và việc này có thể mất vài tháng trước khi tàu bè có thể đi lại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết phía Mỹ sẽ tập trung vào việc buộc Nga có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận.
Phái đoàn Nga, Ukraine không ngồi chung bàn ký kết
Theo Hãng tin Reuters, lễ ký thỏa thuận đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc kết thúc mà không có sự cố ngoài ý muốn nào xảy ra. Tuy nhiên, có một chi tiết gây chú ý là Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov không ngồi chung một bàn khi ký kết.
Hãng thông tấn AFP cho biết đoàn Nga và Ukraine ngồi riêng, lần lượt ký với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc những văn bản có nội dung giống nhau, liên quan việc mở lại các tuyến vận chuyển ngũ cốc trên biển Đen. Một số quan chức Ukraine giải thích họ không muốn tên của mình xuất hiện trong cùng văn bản với quan chức Nga.
Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhaylo Podolyak trước đó tuyên bố Kiev sẽ không ký với Matxcơva thỏa thuận nào mà chỉ ký với Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cũng cho biết các tàu và người của Nga sẽ không được xuất hiện tại những cảng Ukraine dùng để tập kết ngũ cốc xuất khẩu. Việc kiểm tra các tàu Ukraine khi cần sẽ được tiến hành ở vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau lễ ký kết, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ví thỏa thuận "như một ngọn hải đăng của hy vọng" sẽ giúp cứu sống nhiều người và nhiều quốc gia đang bị thiếu hụt lương thực. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán dẫn tới thỏa thuận - cũng bày tỏ hy vọng thỏa thuận này sẽ mở đường cho hòa bình cuối cùng ở Ukraine.
BẢO DUY
TTO - Khi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu chưa có hồi kết và thậm chí còn có thể trầm trọng hơn vào cuối năm nay, nhiều nước đang tìm cách ứng phó và đã tìm thấy "cơ" trong "nguy" để tăng cường xuất khẩu.
Xem thêm: mth.26702937032702202-ioig-eht-uuc-cuht-gnoul-nauht-aoht/nv.ertiout