Thứ nhất là thiếu hiểu biết và thiếu kiến thức cơ bản.
Shark Bình chia sẻ, đại đa số nhà khởi nghiệp lên Shark Tank Mỹ đều gọi số vốn từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đô và định giá cũng chỉ từ 100 - 200 nghìn đô, hiếm người định giá đến hàng triệu đô.
Còn ở Việt Nam, các startup hầu như định giá doanh nghiệp lên đến hàng triệu đô trong khi nền kinh tế và mức thu nhập thấp hơn so với Mỹ hàng chục lần. Cuối cùng thì ra về tay trắng vì bị chê là định giá quá cao hoặc được các Shark đề nghị đầu tư rẻ hơn so với lúc đầu từ 10 - 20 lần.
Theo thống kê của chúng tôi, trong số 28 startup xuất hiện trên Shark tank mùa 5 tính đến hiện nay, chỉ có 5 start up khi đưa ra deal với các shark tự định giá doanh nghiệp dưới 1 triệu USD.
Trong 28 startup thì có 18 startup chốt deal thành công (không tính Nerman) nhưng hầu hết định giá công ty đều bị các Shark deal thấp xuống, chỉ có Vmeta giữ được nguyên định giá ban đầu là 1 triệu USD và chốt deal với Shark Liên và PathLand gọi vốn 3 tỷ đồng cho 15% (định giá 20 tỷ đồng) nhưng được Shark Bình chốt deal 10 tỷ cho 40% (định giá 25 tỷ đồng) đồng thời đưa ra một số điều kiện như startup sẽ phát triển lên 500 phòng và phải cam kết mức tỷ suất lợi nhuận.
Trong tất cả các startup đã xuất hiện trên Shark Tank mùa 5, ứng dụng hẹn hò Fika là startup đưa ra mức định giá cao nhất khoảng 147 triệu USD nhưng lại chưa có doanh thu và bị cả 5 Shark từ chối đầu tư.
Thứ 2 là muốn tự PR cho bản thân và doanh nghiệp bằng cách cố tình đưa ra 1 cái giá rất cao hoặc 1 bức tranh rất đẹp về doanh nghiệp nhưng cuối cùng lại không chốt deal.
Theo Shark Bình, những nhà khởi nghiệp này đang chiếm hoặc cướp chỗ của doanh nghiệp đang thật sự cần vốn. Những startup như vậy gọi là đào mỏ, trục lợi hiệu ứng truyền thông từ chương trình và nếu bị phát hiện sẽ bị cắt sóng. Tại Việt Nam có startup rất thông minh, lanh lợi. Họ đồng ý cam kết rồi cố tình kéo dài quá trình thẩm định sao cho sau khi chương trình phát sóng rồi mới từ chối thẩm định. Đó là trường hợp có kế hoạch tính toán rất tinh vi, bài bản ngay từ đầu.
Shark Bình chia sẻ thêm "Trong 5 mùa Shark Tank vừa qua có nhiều Shark dính vào trường hợp này và bản thân tôi thì dính thương vụ gần đây nhất là Nerman."
Trên sóng Nerman đề xuất 1 triệu USD đổi lấy 27% cổ phần, trong đó 7% sẽ lấy từ cổ phần cá nhân của 3 nhà sáng lập và được cả 2 Shark đồng ý. Tuy nhiên sau đó Nerman chỉ làm việc với Shark Phú và từ chối Shark Bình.
Tuy nhiên, trên trang cá nhân, Đặng Thanh Thịnh - một trong 3 nhà sáng lập Nerman khẳng định "không có chuyện "bùng kèo" tại Shark Tank như lời "tố" vì vẫn tục làm việc với Shark Phú, lần gần nhất thẩm định là ngày 27/6".
Giải thích lý do vẫn tiếp tục làm việc với Shark Phú và từ chối Shark Bình, đại diện Nerman cho biết khi lên chương trình startup chỉ có 3-5 phút để quyết định có nhận thương vụ hay không, tuy nhiên sau khi "nghiêm túc suy nghĩ về định hướng sắp tới" thì Nerman quyết định thay vì chỉ đánh online sẽ dành sự tập trung cho offline và startup này cho rằng Shark Phú có thể hỗ trợ Nerman rất nhiều cho định hướng sắp tới này đồng thời gửi lời xin lỗi đến Shark Bình và team Next100 vì đã làm tốn thời gian của Shark.
Shark Bình cũng chia sẻ thêm rằng trước đây các Shark thường ngậm ngùi, không nói ra. Trong khi đó truyền thông lại có những phân tích kiểu "tại sao tỷ lệ giải ngân lại thấp thế" như trước khi Shark Tank mùa 5 này phát sóng. Lúc đó dư luận đã đổ lỗi rất nhiều cho các Shark là không uy tín, lên chương trình chỉ để chém gió, để quảng cáo bản thân, thậm chí là có lời đồn ác ý rằng "các Shark làm gì có tiền, lên cho vui chứ làm gì có tiền mà đầu tư". Đó là tâm lý có sự cố thì xe to có lỗi, thương vụ không thành thì các Shark có lỗi.
"Với cá nhân tôi, hầu hết các trường hợp không thành công thì nguyên nhân đều do startup nhưng "cá mập" mắc cạn, bị mang tiếng đồng thời làm mất cơ hội của các startup khác", Shark Bình cho biết.
https://cafef.vn/shark-binh-o-shark-tank-khong-chi-co-hien-tuong-startup-tu-dinh-gia-cao-ma-con-chem-gio-ve-nang-luc-ban-than-doanh-nghiep-cao-vut-len-de-thu-hut-su-chu-y-20220722172958959.chnTheo Huyền Trang
Nhịp sống kinh tế