Tại tọa đàm “Kiểm soát tín dụng vào bất động sản: Làm sao để lành mạnh hóa thị trường?” vừa diễn ra sáng ngày 23-7 do báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức, TS Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng việc siết chặt dòng vốn vay để đầu cơ bất động sản (BĐS) là vô cùng cần thiết.
Chia sẻ tại sự kiện, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết: "Thời gian vừa qua ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng bát nháo về giao dịch BĐS.
Báo cáo gần đây nhất của Bộ Xây dựng cũng cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng giao dịch cá nhân trong BĐS đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng thêm việc đấu giá đất quá cao ở Thủ Thiêm so với giá trị thực tế đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu đền bù cho người dân để giải phóng mặt bằng.
Để tránh tình trạng bong bóng BĐS thì đây là thời điểm hợp lý để điều chỉnh lại các chính sách, đặc biệt nắn dòng vốn chảy vào lĩnh vực BĐS.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là không siết chặt dòng vốn đối với toàn thị trường mà chỉ siết đối với mục đích vay để đầu cơ, đầu tư lướt sóng... Còn đối với nhu cầu vay vốn để phát triển và mua nhà để ở thực thì vẫn được đáp ứng. Do đó, việc nắn dòng vốn vào thị trường làm sao cho phù hợp là hoàn toàn hợp lý.”
Trong khi đó, TS.Phạm Chi Lan- chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: "Lẽ ra việc siết dòng vốn với mục đích đầu cơ BĐS cần phải được cơ quan chức năng kiểm soát chặt từ lâu rồi.
Bất cập lớn nhất trên thị trường chính là tính chất đầu cơ, chiêu trò đẩy giá nhà đất lên quá cao. Từ đó tạo nên mặt bằng giá mới, không chỉ cho thị trường BĐS BĐS mà mặt bằng thuê để sản xuất kinh doanh cũng tăng theo.
Lẽ ra ngay khi giá nhà đất ở Hà Nội, TP.HCM lọt vào top những thành phố đắt đỏ bậc nhất trên thế giới, đắt ngang với giá nhà ở Tokyo hay Hongkong thì các cơ quan chức năng đã phải có động thái điều chỉnh rồi, không phải chờ đến bây giờ.
Việc để tình trạng giá nhà đất liên tục tăng trong suốt thời gian vừa qua đã khiến Việt Nam không cạnh tranh nổi với Bangkok (Thái Lan) hoặc với Kuala Lumpur (Malaysia). Hiện nay, hai thành phố này phát triển tốt hơn những thành phố lớn của Việt Nam rất nhiều nhưng không hề có tình trạng giá nhà đất quá đắt đỏ.
Thậm chí, mức sống của người dân ở các nước này cũng cao hơn mức sống của người dân Việt Nam rất nhiều. Dù vậy, họ không phải chịu cảnh thiếu nhà giá bình dân để ở trong khi giá nhà cao vượt tầm với của người lao động.
Có một thực tế là tại Việt Nam là nhà cho người lao động có thu nhập thấp hay nhà thương mại giá bình dân luôn trong tình trạng khan hiếm còn BĐS cao cấp như biệt thự nghỉ dưỡng, biệt thự biển, condotel… lại dư thừa.
Những bất cập đó đã xảy ra từ lâu nên điều chỉnh là cần thiết. Không phải chỉ đơn thuần nằm ở chính sách về tín dụng mà cần điều chỉnh ở các lĩnh vực khác nữa.
"Chẳng hạn như cần cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Bởi nhiều dự án có tính khả thi nhưng bị cản trở bởi khâu thủ tục chứ không phải bị đóng băng do vốn tín dụng" - TS. Phạm Chi Lan nhấn mạnh.