Tối 21.7, đông đảo người dân TX.Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) đã đổ về Quảng trường Giải phóng để xem buổi tập luyện cho chương trình nghệ thuật đặc biệt Khát vọng hòa bình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức.
Tổng đạo diễn Đặng Lê Minh Trí chia sẻ rằng ê-kíp chương trình dồn tâm sức cho phần nghệ thuật mở màn với những khung cảnh gây ấn tượng mạnh. Đặc biệt, ở phần này, nhiều hồi chuông sẽ được các cựu chiến binh gióng lên từ tháp chuông đối diện Quảng trường Giải phóng.
Các nghệ sĩ, diễn viên đang khẩn trương tập luyệnHOÀNG SƠN |
Theo vị đạo diễn, phần nghệ thuật mở màn có nhiều bước, trong đó điểm nhấn là những hồi chuông, hiệu ứng ánh sáng tạo sự kết nối từ tháp chuông Thành cổ đến Quảng trường Giải phóng, bến thả hoa, đền tưởng niệm bờ nam sông Thạch Hãn với bến thả hoa, đền tưởng niệm bờ bắc sông Thạch Hãn.
Khát vọng hòa bình là chương trình do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo, Báo Thanh Niên tổ chức, diễn ra lúc 20 giờ ngày 24.7, tại Quảng trường TX.Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7).
Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, có sự tham gia của các ca sĩ Thanh Lam, Tùng Dương, Đinh Hương, Đông Hùng, Bảo Trâm, Đinh Quang Đạt, nhóm The Wings, Thăng Long; MC Lê Anh - Hồng Nhung; tổng đạo diễn: Minh Trí; giám đốc âm nhạc: Dương Cầm.
Gia đình cố nhạc sĩ Ngân Giang - tác giả Tôi vẫn nhớ - bức xúc vì “tiền tác quyền bị nhập nhèm”
Sau gần hai tháng trao đổi qua email với Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) liên quan đến tiền tác quyền và chưa nhận được phản hồi thỏa đáng, gia đình cố nhạc sĩ Ngân Giang (tác giả của Chờ đông, Nối lại tình xưa, Tôi vẫn nhớ…) đã lên tiếng.
Đại diện gia đình cố nhạc sĩ Ngân Giang, chị Lan Chi - con gái ông chia sẻ: "Sinh thời, cha tôi - nhạc sĩ Ngân Giang (1946 - 2009) sáng tác cả trăm ca khúc, nổi tiếng nhất phải kể tới các ca khúc Chờ đông, Tình nào trong mắt em (Đôi mắt người xưa), Đường tình đôi ngả, Người tình không đến, Nối lại tình xưa, Tôi vẫn nhớ... Rất nhiều trung tâm ca nhạc, ca sĩ hát tác phẩm của ông nhưng không phải ai cũng trả tiền tác quyền, hoặc nếu có, họ chỉ trả một khoản tượng trưng...".
Nhạc sĩ Ngân Giang (1946 - 2009) GIA ĐÌNH CUNG CẤP |
Như thông tin phía gia đình phản ánh, "Trong 8 năm hợp tác, nữ nhân viên của VCPMC thanh toán tổng cộng 6 lần tiền tác quyền cho gia đình tôi. Mới đây, gia đình yêu cầu VCPMC gửi bảng đối soát chi tiết. So sánh bảng đối soát này với 6 lần tiền nữ nhân viên nói trên trả, chúng tôi nhận thấy, nữ nhân viên này trả gia đình tôi thiếu hơn 118 triệu đồng".
Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã chính thức lên tiếng "với mong muốn làm sáng tỏ sự việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật". Theo đó, VCPMC khẳng định sự việc mà gia đình cố nhạc sĩ Ngân Giang phản ánh (thiếu minh bạch, rõ ràng trong chi trả tác quyền-PV) là việc phát sinh từ mối quan hệ cá nhân giữa đại diện gia đình tác giả là bà Anna Thơ Trần - là vợ cố tác giả Ngân Giang - và một nhân viên của Trung tâm là cô Trâm.
Theo diễn giải của VCPMC, "Ở đây, thực chất là hai bên có mối quan hệ quen biết, nhờ vả, bà Anna Thơ Trần nhờ cô Trâm nhận và chuyển giùm tiền tác quyền cho bà. Sự việc này được chính bà Anna Thơ thực hiện bằng Giấy ủy quyền, trong đó đã có ghi rõ bà Anna Thơ Trần “ủy quyền cho cô Trâm nhận, và chuyển tiền sang Mỹ giúp tôi”.
Hiện VCPMC cũng có nhận được giấy xác nhận của bà Anna Thơ chỉ định một người đại diện tại Việt Nam thay mặt gia đình làm việc với Trung tâm. Tuy nhiên, trên giấy ủy quyền không hề có địa chỉ liên lạc, số điện thoại của người được ủy quyền và cho đến thời điểm hiện tại VCPMC chưa thấy ai liên lạc để làm việc liên quan đến vấn đề này.
Ngoài ra, số tiền mà gia đình nêu trong thư, theo VCPMC, cũng hoàn toàn không chính xác so với số tiền mà Trung tâm đã hoàn tất phân phối cho bà Anna Thơ trong suốt những năm qua. Việc này, gia đình cần phối hợp, đối chiếu lại với Trung tâm để tìm hiểu cho rõ ràng, đầy đủ, chính xác.
38 thí sinh tham dự vòng chung kết toàn quốc Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022
Ngày 21.7, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định (ở TP.Quy Nhơn) đã diễn ra lễ công bố vòng chung kết toàn quốc cuộc thi Miss World Vietnam - Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022.
Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Bình Định, Trưởng ban tổ chức cuộc thi - bà Phạm Kim Dung, ban giám khảo cuộc thi, cùng dàn khách mời: Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Hoa hậu Tiểu Vy, Hoa hậu Lương Thùy Linh, Á hậu Kiều Loan, Á hậu Tường San…
Các thí sinh năm nay TÂM NGỌC |
38 thí sinh tham dự vòng chung kết toàn quốc Miss World Vietnam - Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 đã đi đến nhiều tỉnh thành khác nhau như Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Ninh Thuận… và điểm đến cuối cùng là Bình Định để cùng lan tỏa những giá trị nhân văn đến cộng đồng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước thông qua những hoạt động ý nghĩa.
Trong đó, nổi bật là phần thi Người đẹp Nhân ái với những dự án truyền cảm hứng, để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả. Ở vòng chung khảo toàn quốc, các thí sinh cũng dần bộc lộ những thế mạnh thông qua các phần thi như Người đẹp Thời trang, Người đẹp Tài năng, Người đẹp Du lịch.
Nhằm tăng thêm sức nóng cho vòng chung kết toàn quốc, sự kiện cũng đã công bố nhiều điểm thú vị sẽ diễn ra từ đây cho đến ngày 12.8.2022 tại MerryLand Quy Nhơn.
Đại diện ban tổ chức, tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ lịch trình: Đại nhạc hội - Người đẹp Biển (23.7), Vietnam Beauty Fashion Fest (30.7), Head to Head Challenge & Queen Talk (1.8 - 7.8) và chung kết (12.8).
“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư đề xuất di dời biệt thự Pháp ở Huế 2,5 tỉ đồng
Ngày 20.7, tin từ UBND TP.Huế (Thừa Thiên - Huế), cho biết, UBND TP.Huế đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế các nội dung liên quan về phương án di dời ngôi biệt thự Pháp cổ ở số 26 Lê Lợi, TP.Huế, “thần đèn" Nguyễn Văn Cư đã đề xuất phương án di dời với kinh phí 2,5 tỉ đồng.
Văn bản báo cáo của UBND TP.Huế, cũng cho biết, thành phố đã làm việc với các cơ quan liên quan và đơn vị dự kiến thực hiện di dời là Công ty TNHH Xử lý lún nghiêng Nguyễn Văn Cư (doanh nghiệp của "thần đèn" Nguyễn Văn Cư, ở TP.HCM) về phương án di dời công trình biệt thự Pháp cổ ở số 26 Lê Lợi.
Căn cứ đề xuất của Công ty TNHH Xử lý lún nghiêng Nguyễn Văn Cư, phương án di dời biệt thự Pháp cổ dự kiến gồm 14 bước, với kinh phí 2,5 tỉ đồng.
Hiện trạng ngôi biệt thự Pháp 26 Lê Lợi, TP.Huế BÙI NGỌC LONG |
Theo UBND TP.Huế, để phục vụ phương án di dời công trình, Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng - Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản báo cáo kiểm định chất lượng hiện trạng công trình biệt thự Pháp cổ 26 Lê Lợi. Báo cáo kiểm định cho biết, công trình này có kết cấu gạch, đá, thép, bê tông cốt thép pha lẫn và kết cấu công trình đã xuống cấp, nên việc di dời công trình không hiệu quả về mặt an toàn chịu lực.
Công trình sau di dời có hướng ra đường Phạm Hồng Thái, cách lộ giới đường Phạm Hồng Thái khoảng 20 m.
Thời gian thực hiện di dời công trình khoảng 4 tháng. Kinh phí thực hiện di dời khoảng 2,5 tỉ đồng, chưa tính kinh phí cải tạo tòa nhà sau khi di dời.
"Thần đèn" Nguyễn Văn Cư cũng cho biết thêm, hiện tại công ty của ông đang tiến hành di dời chánh điện cũ của chùa Diệu Đế (TP.Huế) lùi về sau 18m. Và mọi công việc đang tiến triển thuận lợi.
Tôn tạo di tích nơi Tổng bí thư Trần Phú hy sinh
Sở VH-TT vừa trình UBND TP.HCM đề án tu bổ, tôn tạo, tái hiện xây dựng mới di tích lịch sử cấp quốc gia Khu trại giam Bệnh viện (BV) Chợ Quán, nơi Tổng bí thư Trần Phú hy sinh.
Hiện khu di tích này nằm trong BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trên đường Võ Văn Kiệt, Q.5. Đề án này nhận được nhiều quan tâm, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và UBND TP cùng các góp ý của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà sử học.
Di tích được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1876 - 1904, là địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử gắn liền với thân thế, sự nghiệp cách mạng của Tổng bí thư Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản VN.
Di tích nơi Tổng bí thư Trần Phú hy sinh NHẬT THỊNH |
Hiện di tích đã xuống cấp, nhiều phòng giam phải đóng cửa, dừng phục vụ khách tham quan. Phần trưng bày các tài liệu, hình ảnh bị mờ, trầy xước, một số bị rách; nội dung trưng bày chưa đầy đủ do thiếu tài liệu, hiện vật và hình ảnh. Việc sắp xếp, bố trí các đề mục trưng bày chưa hợp lý nên chưa truyền tải được nội dung, tính biểu cảm, làm nổi bật được các giá trị ý nghĩa của di tích.
Dự kiến di tích sẽ được tu bổ, xây dựng mới theo phương án rút gọn đã được Thường trực Thành ủy TP.HCM thống nhất, nhằm bảo tồn các yếu tố gốc. Dự án triển khai trên khu đất di tích rộng hơn 2.200 m2, tổng kinh phí đầu tư khoảng 71 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách TP. Dự án triển khai từ năm nay và dự kiến hoàn thành vào tháng 5.2024, nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng bí thư Trần Phú.
Sau khi được Thường trực Thành ủy TP.HCM thống nhất, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư hoàn chỉnh đề án trình Ban Bí thư cho ý kiến.