Mới đây, sự việc bé trai tám tuổi tại Bình Phước bị chó pitbull cắn tử vong đã khiến không ít người cảm thấy bàng hoàng và lo sợ.
Đa số người dân đều cho rằng việc nuôi chó (đặc biệt là các giống chó dữ như pitbull, becgie…) cần phải được siết và quản lý chặt hơn nữa.
Những cái chết thương tâm
Vào khoảng 17 giờ 30 ngày 22-7, bé T sang nhà bà nội (ngụ ấp Cầu 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, Bình Phước) chơi. Lúc này, khi bà nội đang nằm võng ở phía trước nhà, một mình T đã đi ra phía sau nhà.
Nên cấm nuôi các loài chó dữ!
Hiện nay có một số giống chó có kích thước lớn và hung dữ khi bị kích động như chó pitbull, becgie, husky… Những dòng chó này không hề dễ huấn luyện và thuần phục, tiềm ẩn những rủi ro lớn về sức khỏe, tính mạng của những người nuôi bình thường. Do đó, tôi cho rằng không chỉ siết chặt quy định mà thậm chí có thể ban hành danh mục các loài chó hung dữ, có tập tính chiến đấu và cấm người dân nuôi các loài chó này. Chỉ các tổ chức, đơn vị được cấp phép mới được huấn luyện, nuôi các loài chó hung dữ để phục vụ cho mục đích an ninh, quốc phòng.
LS LÊ VĂN BÌNH
Trong lúc bé T chơi tại đây, con chó pitbull nặng hơn 30 kg đang bị xích sau nhà bất ngờ tấn công, cắn liên tiếp vào tay và cổ bé. Nghe tiếng la hét, người nhà vội vàng chạy tới đuổi đánh con chó rồi nhanh chóng đưa bé vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, bé T đã tử vong do vết thương quá nặng.
Trước đó, vào khoảng tháng 5-2021, một nam thanh niên đang ngồi uống cà phê ở Long An cũng bị một con chó pitbull nặng hơn 60 kg tấn công, cắn nhiều vết trên cơ thể. Hậu quả nạn nhân bị chấn thương nặng, máu chảy nhiều và tử vong tại chỗ.
Đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp người dân bị các loài chó có kích thước lớn, hung dữ tấn công.
Căn nhà nơi bé trai ở Bình Phước bị chó pitpull cắn tử vong. Ảnh: DH |
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Danh Quang (từng là huấn luyện viên trong một trung tâm huấn luyện chó) cho biết: Chó pitpull có nguồn gốc từ Mỹ. Đây là loài chó có trọng lượng và kích thước lớn. Pitbull sở hữu ngoại hình cơ bắp với độ nhạy bén, tinh nhanh và hàm răng sắc nhọn.
Cũng theo ông Quang, bản chất các dòng chó đều hiền nhưng quá trình phát biểu rất dễ bị thay đổi tính cách. Đặc biệt tại Việt Nam, tình trạng chó bị biến đổi rất lớn do một số nguyên nhân như: Gen phối cận huyết gây ra trạng thái không ổn định về thần kinh; con người chăm sóc; yếu tố môi trường xung quanh tác động như trẻ em trêu chọc...
“Trẻ em đùa trong vô thức, đùa thô bạo khiến chó từ trạng thái bình thường có thể dần dần chuyển sang cáu tức. Nhiều trường hợp cha mẹ của trẻ chưa biết cách dạy con chơi với động vật (đặc biệt là chó, mèo). Điều này dẫn đến không ít các tai nạn thương tâm đã xảy ra đối với trẻ em mà nguyên nhân xuất phát từ các dòng chó có kích thước lớn” - ông Quang chia sẻ.
Chưa có quy định cụ thể về nuôi các giống chó dữ
Liên quan đến các quy định về việc nuôi chó, luật sư (LS) Lê Văn Bình, Đoàn LS TP.HCM, cho biết: Điều 66 Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định khi nuôi chó, chủ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu như thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh dại theo quy định. Đồng thời, chủ vật nuôi phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y…
Về việc quản lý vật nuôi là chó, Phụ lục 15 Thông tư 07/2016 của Bộ NN&PTNT cũng đã quy định rõ chủ chó phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư.
Chủ chó phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.
Đồng thời, việc nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh và chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định.
Có thể thấy hiện nay, Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những quy định liên quan đến chăm sóc, quản lý đàn chó (nuôi chó phải đăng ký tại UBND cấp xã, phải tiêm vaccine phòng bệnh dại…). Tuy nhiên, những quy định này chỉ đang dừng lại ở việc quản lý đàn chó nói chung. Còn riêng đối với các loài chó có kích thước lớn, hung dữ, có thể được coi là nguồn nguy hiểm cao độ thì hiện vẫn chưa có các quy định cụ thể.
Chính vì vậy, LS cho rằng cần thiết phải siết chặt quy định về nuôi và quản lý chó hơn nữa để tránh tiếp diễn các vụ việc thương tâm do bị chó tấn công.
Chó cắn người, chủ phải chịu trách nhiệm ra sao?
Pháp luật hiện nay có quy định rõ trách nhiệm của chủ vật nuôi và các chế tài đi kèm.
Cụ thể, theo Nghị định 04/2020 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2017), phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với người nào có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa ra nơi công cộng.
Trường hợp chó tấn công người khác gây thiệt hại thì theo Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại; người chiếm hữu, sử dụng phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với chủ vật nuôi.
Ngoài ra, tùy vào tính chất, hậu quả trong từng trường hợp cụ thể mà chủ chó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người tại Điều 295 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khung hình phạt thấp nhất cho tội này là phạt tiền 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù 1-5 năm.
LS TỪ TIẾN ĐẠT, Đoàn LS TP.HCM