Nhóm thí sinh trao đổi bài sau giờ thi tổ hợp môn khoa học xã hội tại điểm thi Trường THCS Bàn Cờ, quận 3, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Năm nay, môn lịch sử đã có bước tiến vượt bậc về điểm số khi phổ điểm đã lệch hẳn sang phải mức 5 điểm. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, điểm thi môn lịch sử có vẻ "bình thường" như các môn thi khác. Vì sao như vậy?
Điểm thi tăng dần
Đơn cử môn lịch sử, năm 2016 điểm trung bình là 4,32, năm 2017 nhích lên 4,6, năm 2018 rớt xuống 3,79, năm 2019 tăng lên 4,3, năm 2020 tăng lên 5,19, năm 2021 giảm xuống 4,97 và năm nay nhảy vọt lên 6,34. Hay như môn hóa, điểm trung bình thi tốt nghiệp năm 2016 là 5,48, 2017 giảm còn 5,32, 2018 tiếp tục giảm còn 4,87, 2019 tăng lên 5,35, 2020 tiếp đà tăng lên 6,7, 2021 giảm còn 6,63, và 2022 tăng lên 6,7.
Đánh giá về điểm thi tốt nghiệp năm nay, ông Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH FPT - cho rằng thi tốt nghiệp là dành cho số đông nên điểm của thí sinh thường phải đạt từ 5 điểm trở lên - mức kiến thức cơ bản trong chương trình học. Phổ điểm lệch phải mức 5 điểm. Phổ điểm nhiều năm qua thay đổi theo hướng lệch phải nhiều hơn. Năm nay riêng 2 môn sinh và tiếng Anh có phổ điểm lệch trái mức 5 điểm là có vấn đề cần đánh giá.
Tương tự, ông Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cũng cho rằng 6 năm qua điểm thi các môn có xu hướng tăng dần lên. Theo ông Thắng, do điểm là điểm thô (tức điểm các câu không phân bổ cao thấp cho câu khó dễ) nên việc điểm các năm lệch nhau cũng dễ hiểu. Đề thi tốt nghiệp không phân loại điểm cho từng câu khó dễ khác nhau, mức độ khó dễ mỗi năm mỗi khác nên phổ điểm lệch nhau giữa các năm là điều dễ hiểu. Như vậy, việc phổ điểm các môn tăng dần chỉ đơn giản là do đề mỗi năm khác nhau về mức độ khó dễ.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - nhận định nhìn chung điểm thi cao hơn dự đoán. Trong đó, môn lịch sử những năm trước thường "đội sổ" thì năm nay phổ điểm tương đối đẹp, nhiều điểm 10 và điểm trung bình tăng. Điều này cho thấy nội dung đề thi thiếu ổn định giữa các năm.
Học sinh đặt câu hỏi tại ngày hội tư vấn xét tuyển diễn ra vào ngày 24-7 tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chất lượng giáo dục tăng?
Điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp tăng, phải chăng chất lượng dạy học đã tăng lên? Ông Lê Trường Tùng cho rằng chất lượng dạy học phụ thuộc vào nhiều thứ, từ chương trình, sách giáo khoa, cách dạy học và đó là cả quá trình chứ không thể ngay một lúc thay đổi được.
"Tôi cho rằng sự tăng điểm đột biến như vậy chủ yếu là do cách thức ra đề cũng như độ khó của đề thi mỗi năm khác nhau. Nhìn vào đề lịch sử năm nay, có nhiều câu không cần phải học, chỉ cần kiến thức xã hội và loại suy là có thể trả lời được. Có thể thấy thay đổi chất lượng giáo dục là cả quá trình nhưng chỉ cần thay đổi cách ra đề, tăng số lượng câu hỏi dễ sẽ ngay lập tức có thay đổi về điểm số. Do đó, phổ điểm chỉ phản ánh chất lượng đề thi chứ chưa phải là thước đo chất lượng giáo dục" - ông Tùng nói.
Tương tự, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cho rằng phổ điểm là kết quả của đề thi chứ không phải kết quả của sự gia tăng chất lượng giáo dục tương ứng. Chẳng hạn với môn tiếng Anh, điều kiện giảng dạy và trình độ giáo viên, học sinh rất khác nhau ở các địa phương nên chất lượng không cao. Đề có thể dễ, nhưng đây không phải là môn có thể học nhớ như các môn xã hội khác nên điểm vẫn thấp.
Điểm chuẩn có thể tăng
ThS Phùng Quán - chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết điểm 10 năm nay ở nhiều môn giảm nhưng phổ điểm lệch phải nhiều hơn so với năm trước, nghĩa là số thí sinh đạt điểm cao nhiều hơn. Nếu tính theo tổ hợp truyền thống, số thí sinh có điểm từ 27 trở lên tăng nhiều so với năm trước. "Dự kiến điểm chuẩn tổ hợp toán - lý - Anh sẽ giảm, trong khi toán - lý - hóa sẽ tăng. Các tổ hợp xã hội cũng sẽ tăng. Với các ngành hot, nhiều người giỏi xét tuyển nên điểm sẽ rất cao, nhất là khi thí sinh trúng tuyển sớm khá nhiều nên chỉ tiêu còn lại ít" - ông Quán nhận định.
"Mưa" điểm 10 phân bố không đồng đều
So với năm 2021, số thí sinh đạt điểm 10 ở các môn thi tốt nghiệp năm nay giảm đáng kể. Điểm 10 giảm ở hầu hết các môn, riêng môn lịch sử lại có điểm 10 tăng gấp 11 lần.
Giáo dục công dân là môn có điểm 10 giảm "sốc", từ 18.680 điểm 10 của năm 2021 giảm còn 2.836 điểm 10 năm nay dù số thí sinh tăng 20.000.
So với năm trước, một số môn khác cũng có lượng điểm 10 giảm như toán giảm từ 52 xuống 25; điểm 10 môn sinh học giảm đến hơn 116 lần, từ 582 giảm xuống còn 5. Điểm 10 môn địa lý từ 227 giảm còn 163.
Tuy nhiên, các môn thi khác lại có điểm 10 tăng, có môn tăng hơn 7 lần so với điểm thi năm 2021. Trong đó, môn lịch sử từ 266 điểm 10 năm 2021 tăng lên 1.779 năm nay. Môn tiếng Anh có điểm 10 giảm mạnh, từ 4.345 của năm trước giảm còn 435 năm nay; điểm trung bình cũng giảm 0,5 điểm.
Điểm 10 môn vật lý tăng gấp 11 lần, từ 14 lên 154; số thí sinh đạt 9,75 cũng tăng vọt từ 83 lên 708. Môn hóa học cũng có điểm 10 tăng từ 149 lên 158, số thí sinh 9,75 điểm tăng gần gấp đôi.
TTO - Theo dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 do Bộ Giáo dục và đào tạo vừa công bố, TP.HCM là địa phương có điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất nước với 6,4 điểm.
Xem thêm: mth.46124057052702202-us-nom-gnagn-ogn-tpht-peihgn-tot-iht-meid-ob-gnoc/nv.ertiout