Báo chí châu Âu đã có nhiều bài phân tích tác động của quyết định này. Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất cơ bản vào hôm 21/7 không phải là chuyện bất ngờ, nhưng tăng tới 0,5 điểm % lại trở thành sự kiện.
Tờ El Economista ra tại Tây Ban Nha nhấn mạnh trên trang nhất: "Kết thúc giai đoạn lãi suất âm". Âm là lãi suất thực tế mà các ngân hàng áp dụng cho người có tiền gửi, nhưng thực tế lãi suất cơ bản Ngân hàng Trung ương châu Âu ấn định từ năm 2015 là 0, chưa khi nào xuống thấp hơn.
Tờ báo viết: "Ngân hàng Trung ương châu Âu đã chấm dứt kỷ nguyên tỷ giá âm chỉ bằng một đòn duy nhất. Lần tăng lãi suất gần nhất là từ hồi năm 2011. Mức tăng dự kiến là 25 điểm cơ bản, nhưng Ngân hàng Trung ương châu Âu đã chọn tăng tới 50 điểm cơ bản, là mức tăng mạnh nhất trong hơn 2 thập kỷ qua. Với quyết định mạnh mẽ này, bà Lagarde tin rằng có thể kiềm chế lạm phát, mặc dù vẫn cho rằng chỉ số giá tiêu dùng sẽ còn tiếp tục ở mức cao trong một thời gian tới".
ECB quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng Euro thêm 0,5 điểm %. (Ảnh minh họa - Ảnh: AP)
Nhiều lý do giải thích vì sao Ngân hàng Trung ương châu Âu chọn mức tăng cao gấp đôi so với dự kiến trước đó. Tờ báo Đức Landeszeitung viết: "Quyết định được thúc đẩy bởi mức lạm phát kỷ lục ở khu vực đồng Euro, 8,6% trong tháng 6, nhằm mục tiêu chính là kéo lạm phát trung hạn xuống 2%".
"Áp lực còn do tỷ giá hối đoái đồng Euro. Ví dụ như dầu mỏ vẫn được giao dịch bằng USD, Euro mất giá làm cho hàng hóa nhập khẩu đắt hơn, đẩy lạm phát thêm trầm trọng. Một lý do nữa đó là tỷ lệ thất nghiệp hồi tháng 5 đang ở mức thấp nhất mọi thời đại, 6,6%. Nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ buộc các doanh nghiệp phải tăng lương. Lương cao cũng là một yếu tố thúc đẩy giá cả tiêu dùng lên thêm".
Hệ quả của tăng lãi suất cơ bản tới hộ gia đình, tới doanh nghiệp và tới thị trường tài chính châu Âu ra sao được nhiều tờ báo phân tích.
Tờ Kleine Zeitung ra tại Áo khẳng định lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ không thể tăng ngay, mà phải đợi tới quý 4. Với doanh nghiệp và cá nhân đang vay nợ ngân hàng cũng không có gì thay đổi đối với các khoản vay với lãi suất cố định, nhưng sẽ tốn kém hơn nếu đã vay với lãi suất linh hoạt.
Còn tác động đối với thị trường chứng khoán, bài báo cho rằng: "Câu châm ngôn giá cổ phiếu giảm khi lãi suất tăng chỉ đúng một phần". Các thị trường tài chính châu Âu cuối tuần trước đã không biến động nhiều. Tăng lãi suất cơ bản được trông đợi sẽ mang lại kết quả trong trung hạn, thể hiện bằng tỷ lệ lạm phát giảm và tỷ giá Euro tăng.
VTV.vn - Theo dự báo, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất có thể đẩy nhiều nước thành viên rơi vào suy thoái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.46752409052702202-ma-aig-yt-neyugn-yk-tud-mahc-taus-ial-gnat-bce/et-hnik/nv.vtv