Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 8 chào đón sự xuất hiện của Học viện Nghệ thuật tiếng Anh Diệu kỳ với đại diện là Phạm Thị Trúc Thi. Startup mong muốn gọi vốn 5 tỷ đồng cho 25% cổ phần.
Trúc Thi chia sẻ cô tìm ra nguyên nhân nhiều người không nói tiếng Anh tốt là do 5 vấn đề liên quan đến não bộ, tâm lý, văn hóa, kỹ năng và tử huyệt. Từ đó, cô tìm ra phương dạy tiếng Anh kết hợp nghệ thuật như hát, múa, vẽ,…giúp tất cả mọi người thu được kết quả trong vòng 1-3 buổi. Nếu không nói, diễn kịch hay diễn thuyết được bằng tiếng Anh, cô sẽ trả lại tiền.
Với thế mạnh am hiểu nghệ thuật, lại từng làm biên tập viên, MC ở Đài truyền hình, nhà sáng lập tự tin cho biết cách kích hoạt và tạo cảm xúc ở người học. Cô có khả năng chơi piano và thậm chí đã sáng tác gần 100 bài hát chỉ để học tiếng Anh.
Tuy nhiên, phần trình bày lan man và liên tục lạc đề của Trúc Thi khiến tất cả "cá mập" trong chương trình vô cùng bức xúc. Trong khi đó kết quả kinh doanh của startup lại không hề ấn tượng.
Dù đã dạy tiếng Anh qua nghệ thuật được 1 năm nhưng startup chỉ có khoảng 50 học sinh. Hệ thống gồm cô và 10 giáo viên nữa, những người khác chỉ giảng dạy còn Trúc Thi chịu trách nhiệm vận hành chính.
Về chi phí, một khóa học online 3 tháng có chi phí 10 triệu đồng. Với 50 học viên, cô đã có doanh thu 500 triệu. Chi phí phải trả cho giảng viên là 200.000 đồng/buổi. Một năm cô lời khoảng 300 triệu, tiền lời từng khóa tùy thuộc vào số lượng học viên.
Sau một hồi trao đổi, Shark Hưng phân tích, phương pháp có hiệu quả hay không phụ thuộc vào số lượng học viên và doanh thu. "Tại sao bạn mới có 50 học viên trong một năm mà bạn lên đây gọi 5 tỷ cho 25%. Tức là giá trị doanh nghiệp tới 15 tỷ pre-money (giá trị doanh nghiệp trước khi được rót vốn)?".
Shark Hưng cho biết những gì Trúc Thi chia sẻ quá phức tạp dù ông đã cố gắng để hiểu. "Thực sự là để thuyết phục được tôi ở góc độ làm sao hiểu được phương pháp của bạn, giáo trình của bạn, cách bạn triển khai nó ra sao và kết quả như thế nào thì tất cả những điều này đều rất mông lung", Shark Hưng nhấn mạnh và quyết định không đầu tư.
Trong khi đó, Shark Linh bày tỏ lo lắng về câu chuyện mở rộng thị trường của startup bởi Shark đánh giá nhà sáng lập không có khả năng vận hành công ty. "Mỗi khi một Shark hỏi một câu hỏi là em lại đi quá xa".
Tiếp đó, Shark Linh cũng từ chối đầu tư bởi công ty không có đội vận hành thì tiền vào cũng không có ai sử dụng để tuyển người, xây dựng cơ cấu cho công ty. "Tiền mà không ai sử dụng đúng đắn thì có cũng là bằng không", Shark Linh nêu quan điểm.
Shark Liên ra quyết định giống 2 bạn cùng bể vì bà cũng cảm thấy còn mông lung với doanh số, phương pháp, phương án của Trúc Thi.
"Chị hỏi em nhưng em chưa tìm ra được giải pháp để thuyết phục chị. Em cứ nói là có rất nhiều kết quả rồi nhưng em chỉ có 50 học sinh. Mà 50 học sinh đấy chị chưa nhìn thấy kết quả".
Về phía Shark Louis, ông đánh giá nếu phương pháp của Trúc Thi độc đáo đến mức độ dạy người ta nói hiểu trong vòng 1 tiếng đồng hồ là quá xuất sắc. Tuy nhiên cô không thuyết phục được các Shark, thậm chí phần trình bày của cô khiến Shark Louis thấy hơi bực mình, không còn thiện cảm như lúc cô mới xuất hiện. Kết quả, Shark Louis cũng từ chối đầu tư.
Là người cuối cùng ra quyết định, Shark Bình thẳng thắn đánh giá: "Em nói nhiều thứ nhưng tôi thấy rất sáo rỗng, có nhiều nội dung phi lý, đi mây về gió. Tôi thấy tiếc thời gian của mình. Vừa nãy, tôi còn định dùng Golden Ticket, loại tất cả các Shark ra để tôi được tiết kiệm thời gian. Bỏ 100 triệu để mua thời gian của mình".
"Tôi nghĩ bài trình bày vừa rồi của bạn có thể nói là một thất bại. Bạn đang bán sản phẩm của mình, bán startup của mình, bán doanh nghiệp của mình nhưng bạn không thể làm được cho khách hàng hiểu sản phẩm của bạn bản chất nó như thế nào, đem lại lợi ích gì mà chỉ đem lại cho người ta cảm giác rất tiêu cực, cảm giác phi lý".
Chính vì vậy, Shark Bình cũng từ chối đầu tư, khép lại thương vụ thất bại trên sóng Shark Tank.
http://tintuc.vdong.vn/07/1439025.htmNhật Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế