Theo đó, sáng 25-7, tại cuộc họp giao ban của Sở Y tế TP HCM các đơn vị chuyên môn của ngành tiếp tục trao đổi, đưa ra các biện pháp phòng ngừa. Đồng thời, có các hướng giám sát, chẩn đoán, sàng lọc, cách ly, xét nghiệm, thu dung và điều trị khi phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ. Đặc biệt là xây dựng kế hoạch đáp ứng đậu mùa khỉ (xét nghiệm, chẩn đoán, tập huấn, phối hợp thu dung, điều trị...) trình UBND TP HCM.
Sở Y tế TP HCM cũng cho biết hiện TP chưa ghi nhận ca bệnh nhưng cần phải chủ động trong mọi tình huống. Trước mắt cần đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân biết các triệu chứng ban đầu để kịp thời đến các cơ sở khám chữa bệnh thăm khám.
Trước đó, ngành Y tế TP HCM cũng đã có công văn hướng dẫn tạm thời giám sát phòng chống bệnh trên địa bàn gửi đến các cơ sở y tế. Theo đó, bệnh đậu mùa khỉ thường xuất hiện các triệu chứng như phát ban có bóng nước cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu gồm sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược.
Ngoài ra, còn có những yếu tố dịch tễ mà người bệnh và nhân viên y tế đặc biệt lưu ý gồm: có tiền sử từng tiếp xúc vật lý với người bệnh thông qua da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), tiếp xúc vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh trong vòng 21 ngày. Ngoài ra, du khách đến các quốc gia có bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, cũng được xem là nguy cơ có thể mắc bệnh.
Sở Y tế TP HCM đã yêu cầu các cửa khẩu trên địa bàn tăng cường giám sát thân nhiệt người nhập cảnh qua máy đo thân nhiệt nhằm phát hiện kịp thời các triệu chứng nghi ngờ. Đối với trường hợp chưa đủ yếu tố xác định là "trường hợp có thể" mà chỉ là "trường hợp nghi ngờ" mắc bệnh, bộ phận kiểm dịch y tế hoặc trạm y tế sẽ hướng dẫn đối tượng tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà.
Trong thời gian theo dõi, nếu có dấu hiệu nặng, người bệnh cần đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để khám và theo dõi kịp thời. Đối với trường hợp đủ yếu tố xác định là "trường hợp có thể" mắc bệnh, bộ phận kiểm dịch y tế hoặc trạm y tế sẽ hướng dẫn đối tượng tuân thủ đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc, tư vấn người bệnh đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để khám bệnh, theo dõi. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh phải cách ly y tế, điều trị tại bệnh viện. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM sẽ điều tra các trường hợp có tiếp xúc gần để lập danh sách, theo dõi, giám sát theo quy định.
Trước đó từ ngày 23-7, WHO chính thức ban bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ lan rộng.
Từ 1-1 đến ngày 23-7-2022, WHO đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực của WHO. Ở khu vực châu Á, các quốc gia cạnh Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Hiện Việt Nam được WHO xếp vào nhóm 1 - nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh.
Theo Hải Yến
NLĐ