Theo BCTC hợp nhất quý II của CTCP Thực phẩm Sao Ta (MCK: FMC) ghi nhận 1.411 tỷ đồng doanh thu thuần, 118 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 21,5% và 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý có lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của Sao Ta.
Trong kỳ ghi nhận giá vốn hàng bán tăng 17,7% lên 1.245 tỷ đồng. Doanh thu tăng cao hơn mức độ tăng của giá vốn giúp biên lãi gộp của doanh nghiệp vì thế cũng cải thiện từ 8,8% lên 11,7%.
Doanh thu tài chính của Sao Ta đạt gần 19 tỷ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ, nhờ lãi chênh lệch tỷ giá tăng 77,7%, tương ứng tăng hơn 10,7 tỷ đồng, lên 24,67 tỷ đồng.
Các chi phí như chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng, nhưng thấp hơn phần tăng lợi nhuận gộp. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng vọt lên hơn 28,4 tỷ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ, do tăng chi phí vận chuyển. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận mức tăng 16%, lên hơn 22 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ đi mọi chi phí và thuế, Sao Ta thu về 118,4 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 44,5% so với quý II/2021. Theo lý giải của công ty, lãi ròng quý này tăng chủ yếu nhờ thu hoạch dứt điểm tôm tự nuôi vụ đầu tiên trong năm, làm giảm giá vốn giảm.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Sao Ta đạt 2.739 tỷ đồng doanh thu thuần, gần 161 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tương ứng tăng lần lượt gần 29% và 42% so với bán niên năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán thủy sản tăng 28,6%, đạt hơn 2.656 tỷ đồng; doanh thu bán hàng nông sản tăng 29,2%, lên hơn 87,5 tỷ đồng.
Năm 2022, Sao Ta đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 5.290 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng hoạt động, doanh nghiệp đã đạt được khoảng 52% chỉ tiêu doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận năm.
Doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh có sự tăng trưởng trong bối cảnh tôm nuôi bị dịch bệnh, nguồn cung nguyên liệu không mạnh và duy trì giá cao suốt thời gian qua.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) trong tháng 6, doanh số xuất tôm tăng trưởng khiêm tốn 7% lên 450 triệu USD. Luỹ kế nửa đầu năm 2022, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ và chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản.
Ngành tôm đang có dấu hiệu gặp khó khi giá tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ có xu hướng giảm vì tôm giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador thâm nhập mạnh mẽ. Nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Mỹ cũng bắt đầu giảm kể từ tháng 4/2022 đến nay.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam cũng đang phải đối diện với tình trạng chi phí tăng cao, nhất là đối với chi phí logistics khi xuất khẩu sang Mỹ.
Trên thực tế, 6 tháng đầu năm, chi phí vận chuyển của Sao Ta tăng 127% so với cùng kỳ năm ngoái lên 97 tỷ đồng do giá dầu tăng và chuỗi cung ứng chưa tái lập hoàn thiện.
Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6, quy mô tổng tài sản của Sao Ta đạt 3.128 tỷ đồng, tăng gần 16% so với đầu năm. Trong đó, khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn từ 6-12 tháng đạt 885 tỷ, chiếm 28% tài sản; khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là hàng tồn kho với giá trị hơn 1.000 tỷ cuối quý II, tăng hơn 6% so với đầu năm và chủ yếu là thành phẩm.
Về cơ cấu nguồn vốn, doanh nghiệp chỉ ghi nhận đi vay ngắn hạn với giá trị gần 930 tỷ đồng, tăng 124% so với đầu năm. Đây đều là các khoản vay ngân hàng bằng USD với lãi suất trong khoảng 2 - 2,7%.
Cuối tháng 6, vốn chủ sở hữu của Sao Ta là 1.956 tỷ đồng với 522 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, còn lại là vốn góp và thặng dư vốn cổ phần.