Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ câu chuyện làm ông xúc động về niềm hạnh phúc của Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Lự, 110 tuổi, ở Đô Lương, Nghệ An, khi tìm được hài cốt của một người con sau 51 năm hy sinh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều 25-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm Trung tâm giám định ADN hài cốt liệt sĩ thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, làm việc với 3 cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ giám định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là Viện Pháp y quân đội - Bộ Quốc phòng; Viện Pháp y quốc gia - Bộ Y tế và Viện Công nghệ sinh học - Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho biết trong giai đoạn 2013 - 2020, Ban Chỉ đạo cấp nhà nước về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và bộ này đã chọn 7 đơn vị cung cấp dịch vụ giám định ADN, xác định thông tin hài cốt liệt sĩ và đến thời điểm hiện tại, có 5 đơn vị đang tiếp tục thực hiện giám định ADN.
Tổng số mẫu đã nhận từ năm 2011 đến ngày 31-12-2021 là trên 41.000 mẫu. Qua phân tích, so sánh, đối chiếu ADN giữa mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu thân nhân liệt sĩ đã xác định danh tính đối với gần 1.400 hài cốt liệt sĩ, báo tin cho thân nhân và chỉnh sửa thông tin ghi trên bia mộ liệt sĩ.
Kết quả giám định ADN được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ phục vụ công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Bên cạnh một số kết quả nhất định, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do một bộ phận không nhỏ mộ không có hài cốt, hoặc mẫu hài cốt đã được chôn cất trong thời gian quá dài (40 - 50 năm về trước), không có khả năng giám định hoặc chất lượng ADN còn lưu lại kém.
Bên cạnh đó, trang thiết bị của các đơn vị đã quá cũ, thường xuyên hỏng hóc ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ phân tích. Thậm chí, có một số kết quả giám định có sự trùng lặp ngẫu nhiên về ADN ty thể của các mẫu phân tích sinh phẩm thân nhân liệt sĩ và hài cốt liệt sĩ.
Có trường hợp 1 mẫu hài cốt liệt sĩ trùng lặp với trên 20 thân nhân liệt sĩ ở các tỉnh khác nhau dẫn tới việc phân tích mất rất nhiều thời gian mới có kết quả.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng chia sẻ câu chuyện làm ông xúc động, ám ảnh về niềm hạnh phúc của Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Lự, 110 tuổi, ở Đô Lương, Nghệ An, khi tìm được hài cốt của một người con sau 51 năm hy sinh; cũng như nỗi mỏi mòn ngóng chờ của mẹ trước lúc ra đi khi một người con nữa của mẹ vẫn chưa tìm được hài cốt.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm đến công tác thương binh, liệt sĩ để xoa dịu nỗi đau tinh thần đó bằng những việc làm thiết thực, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan và địa phương, sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, cá nhân vì có rất nhiều liệt sĩ hy sinh từ thời chống Pháp, hy sinh ở nhiều địa bàn khác nhau cả trong nước và ngoài nước.
Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn, tri ân đến các tổ chức và cá nhân vì sự tận tâm và trách nhiệm với gia đình của những người đã hy sinh vẻ vang cho Tổ quốc. "Sự mất mát và hy sinh đó không có gì bù đắp được và chúng ta cần cố gắng hơn nữa để xoa dịu nỗi đau chiến tranh", Thủ tướng nói.
TTO - Tối 24-7, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Hà Nội tổ chức lễ thắp nến tri ân kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh - liệt sĩ tại nghĩa trang TP Hà Nội.