Một số người dùng đã làm các clip cảnh báo sự nguy hiểm của trend “cài điện thoại ở cửa sổ máy bay” - Ảnh: VŨ THỦY
Gần nhất là câu chuyện nữ hành khách K.T. "gây bão" mạng xã hội ngày 22-7 vì thản nhiên ngồi lên băng chuyền hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất quay TikTok với dòng trạng thái "Bất kệ đời, lạc trôi" khiến nhiều người thêm ngán ngẩm!
Thiếu hiểu biết hay cố tình?
Đoạn clip ấy nhanh chóng được lan truyền, nhiều cư dân mạng bày tỏ không đồng tình và chỉ trích hành động của cô gái.
Tài khoản Minh Phúc bày tỏ: "Không biết tại sao dạo này có một bộ phận giới trẻ thích thể hiện mình để rồi dính vào chuyện thị phi. Chắc đây là hệ lụy của sống ảo, trào lưu TikTok không biết điểm dừng".
Một số ý kiến cho rằng hành vi của cô gái chỉ là sự thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, không ít ý kiến khác "phản pháo" rằng băng chuyền là để di chuyển đồ đạc, đến trẻ con còn biết không được lên đó đùa nghịch thì việc cho rằng cô gái này không biết mình đang vi phạm pháp luật là không thỏa đáng.
Mặc dù có không ít lời chỉ trích nhưng ngay sau đó, một clip ngồi băng chuyền của một cô gái khác lại xuất hiện.
Cô gái này cũng ngồi hẳn lên băng chuyền và cười rất tươi để quay clip. Anh Đức Thiện (ngụ TP.HCM) cho rằng hành động này không chỉ phản cảm mà còn gây nguy hiểm cho chính bản thân người này vì có thể kẹt quần áo đồng thời gây hư hại tài sản sân bay.
Trong tình huống này, chỉ có người trong cuộc thực sự hiểu được động cơ của việc họ đã làm. Nhưng phần đông ý kiến đều cho rằng có thể đó là hành vi vô tình nhưng nếu không xử lý triệt để thì "sân bay có thể biến thành sàn catwalk của các anh chị".
Thậm chí có người còn hài hước bình luận: "Không xử lý thì mai mốt chắc lại có TikToker leo lên nóc máy bay ngồi".
Câu bình luận này không hẳn là nói quá bởi "bắt chước các xu hướng" chính là nội dung của đa số các clip của người dùng TikTok.
Xu hướng đó có thể là bất cứ cái gì: một điệu nhảy, một câu nói hài hước, một đoạn hội thoại vui nhộn, thậm chí một hành động rất ngớ ngẩn nào đó... Đây cũng là điều khiến cho một hành vi nguy hiểm có thể lan truyền chóng mặt trên TikTok.
Đừng đùa với an toàn bay
Trước khi clip ngồi trên băng chuyền hành lý xuất hiện, clip cô gái trong trang phục đen nhảy múa trước máy bay đang đi vào sân đỗ được cho là quay tại sân bay Phú Quốc gây bức xúc không kém.
Hay clip cảnh một bạn nam quay một bạn nữ đang nhảy tại khu vực từ xe buýt ra nơi đỗ máy bay được hành khách khác ghi lại cũng tạo dư luận...
Chưa hết, hàng loạt clip timelapse (tua nhanh) hành trình bay với cảnh bầu trời, cảnh không trung từ cửa sổ máy bay đã được các TikToker bắt chước.
Nhiều TikToker còn nhiệt tình làm clip hướng dẫn lại để những người khác làm theo. Theo đó, các TikToker bật chế độ quay timelapse, áp điện thoại vào mặt kính cửa sổ rồi kéo màn chắn cửa xuống để điện thoại tự quay trong suốt thời gian bay.
Đủ cảnh quay với các chặng bay trong nước, từ bình minh cho đến "Sài Gòn về đêm thật lung linh từ góc quay trên máy bay", rồi "Toàn cảnh mây bay trên máy bay"...
Thậm chí có hành khách còn thể hiện rõ sự bất chấp: "Toàn cảnh quay trên máy bay. Cấm sử dụng điện thoại vẫn ráng quay lén". Lạ là dưới những clip này, không ít tài khoản lại đồng tình với hành vi nguy hiểm ấy, xem quy định về an toàn bay như một trò đùa.
Nhiều người sử dụng TikTok cho rằng một tài khoản TikTok có khoảng 9 triệu lượt theo dõi đã "tiếp tay" để đưa hành động cài điện thoại vào cửa sổ máy bay quay timelapse thành trend (xu hướng) trên TikTok.
Đây là tài khoản của một cô gái vốn được chú ý vì các clip quay trend về dance (nhảy múa) với ngoại hình đẹp và khuôn mặt dễ thương. Tài khoản này cũng có không ít clip nội dung sáng tạo khiến người xem từng thiện cảm như: nhặt rác bảo vệ môi trường, tặng quà cho người khó khăn trong mùa dịch...
Nhưng với clip cài điện thoại ở cửa sổ máy bay, TikToker này vô tình đẩy một hành vi nguy hiểm thành xu hướng được nhiều người bắt chước.
Ngay sau đó, người dùng nhận ra sự "leo thang" của trend cài điện thoại ở cửa sổ máy bay. Trong khi việc để điện thoại quay liên tục là hành động vô cùng nguy hiểm, có thể khiến điện thoại nóng lên cộng với ánh sáng mặt trời chiếu vào sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
"Vì sự an toàn của chính bản thân, an toàn của chuyến bay, các bạn không nên bắt chước trend", tài khoản Duy Thẩm kêu gọi. Nhiều ý kiến bình luận "cùng nhau xóa bỏ trend này" xuất hiện dưới rất nhiều clip tương tự. Có lẽ nhờ vậy trend nguy hiểm này đã được đẩy lùi trước khi sự cố đáng tiếc xảy ra.
Làm gì với nội dung "có hại" trên TikTok?
Mạng xã hội TikTok có bản "Tiêu chuẩn cộng đồng" hơn 10.500 từ, liệt kê cụ thể nhiều hành vi bị hạn chế nhưng không ít clip vi phạm vẫn "qua cửa" nếu không bị ai báo cáo.
Sử dụng quyền "báo cáo", người dùng mô tả vi phạm để TikTok xem xét và nhiều clip vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng đã được phát giác theo cách này, bị gỡ bỏ khỏi TikTok và tài khoản vi phạm có thể bị khóa...
Nhóm hành vi trong tiêu chuẩn cộng đồng của TikTok gồm:
* Sự an toàn của trẻ vị thành niên
* Hành động và thử thách nguy hiểm
* Tự tử, tự hại và rối loạn ăn uống
* Hình ảnh khỏa thân và hoạt động tình dục của người lớn
* Quấy rối và bắt nạt
* Hành vi thù địch
* Chủ nghĩa cực đoan bạo lực
* Tính toàn diện và chân thực
* Hoạt động bất hợp pháp và hàng hóa bị kiểm soát
* Nội dung bạo lực và ghê rợn
* Vi phạm bản quyền và thương hiệu
* Bảo mật nền tảng
* Không đủ điều kiện cho trang Dành cho bạn
Cứ bất chấp quay, bất chấp đăng, chỉ cần lên xu hướng TikTok là được, những điều khác không cần quan tâm, bạn có nghĩ vậy? Mời bạn cùng chia sẻ ý kiến, suy nghĩ với chúng tôi qua email: quoclinh@tuoitre.com.vn.
TTO - Chị T.D.H., chủ một salon tóc, bị công an lập hồ sơ xử lý vì mặc trang phục công an để livestream trên TikTok nhằm thu hút sự chú ý của mọi người.
Xem thêm: mth.3701842252702202-yab-mac-yagn-oc-kotkit-oad-iohc/nv.ertiout