Cựu thủ tướng Imran Khan (đứng thứ hai từ phải sang) và lãnh đạo Đảng Tehreek-e-Insaf đối lập vẫy tay chào người ủng hộ trong cuộc biểu tình chống chính phủ ở TP Rawalpindi, Pakistan vào hôm 2-7 - Ảnh: AFP
Tuần trước, đồng tiền của Pakistan đã trải qua tuần tồi tệ nhất trong hơn 2 thập niên khiến các nhà đầu tư lo ngại nước này có nguy cơ nối gót Sri Lanka vỡ nợ nước ngoài.
Theo báo Financial Times, đồng rupee Pakistan đã mất giá 7,6% xuống còn 228 rupee đổi 1 USD. Đây là mức giảm theo tuần lớn nhất của đồng tiền này kể từ tháng 10-1998.
"Triệu chứng tương đồng"
Đó mới chỉ là một phần trong bức tranh u ám của nền kinh tế Pakistan hiện nay. Trong bối cảnh gánh nặng nợ công tăng lên, dự trữ ngoại hối cạn kiệt, thâm hụt tài khoản vãng lai (phép đo thương mại của một quốc gia, khi mà giá trị hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu vượt quá giá trị của hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu) ngày càng tăng, giá nhiên liệu và hàng hóa tăng vọt...
Nhà báo người Pakistan, ông Zahid Hussain, là một trong những người lên tiếng cảnh báo Pakistan phải hành động ngay để tránh "vết xe đổ" của Sri Lanka. "Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ kinh tế của Sri Lanka là điều dễ thấy.
Bị tê liệt do thiếu ngoại tệ, quốc gia này đã không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng này đã tích tụ trong nhiều năm khi đất nước họ nợ nước ngoài chồng chất lên tới 51 tỉ USD" - ông Zahid Hussain viết trên nhật báo Dawn (Pakistan).
Ông đánh giá nhiều quốc gia đang phát triển như Pakistan cũng đang đối mặt với tình trạng khó khăn tương tự. "Chúng ta (Pakistan) có thể chưa rơi vào trường hợp của Sri Lanka, nhưng cũng còn cách không xa lắm vì đã có một số "triệu chứng" tương đồng" - ông Zahid Hussain cảnh báo.
Giống như Sri Lanka, Pakistan cũng đang ngày càng thiếu hụt dự trữ ngoại tệ dẫn đến hạn chế khả năng nhập khẩu các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm và nhiên liệu.
Theo Hãng tin Reuters, tính đến cuối tháng 6, dự trữ ngoại hối của Pakistan đã giảm xuống mức thấp nhất là 9,8 tỉ USD, hầu như không đủ cho 5 tuần nhập khẩu hàng hóa. Nếu tình hình kinh tế không thể cải thiện, Pakistan cũng có thể nổ ra các cuộc biểu tình hàng loạt và tạo ra khoảng trống lãnh đạo như Sri Lanka.
Và cũng giống như Sri Lanka, Pakistan đã hoan nghênh các khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc để hỗ trợ nền kinh tế khó khăn.
Giống như với cảng chiến lược Hambantota của Sri Lanka, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào Gwadar, cảng nước sâu ở tỉnh Balochistan, phía tây nam Pakistan - nơi đóng vai trò là trung tâm của Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) ở Pakistan.
Đây là lý do tại sao một số nhà phân tích cho rằng các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào Pakistan đã đẩy nước này đến bờ vực sụp đổ kinh tế.
Tuy nhiên, theo tạp chí The Diplomat, trên thực tế hầu hết các vấn đề của Pakistan, đặc biệt là kinh tế, xuất phát từ sự quản lý yếu kém, thiếu kế hoạch, bất ổn cả trong nội chính lẫn đối ngoại.
Mấu chốt là chính trị?
Hiện Pakistan đối mặt với vô số vấn đề, bắt đầu từ khủng hoảng kinh tế. Chính phủ của Thủ tướng Shehbaz Sharif đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để nhận được gói cứu trợ hàng tỉ USD. Tuy nhiên, nếu sự ổn định chính trị không được cải thiện thì sẽ khó để Pakistan nhận được cứu trợ.
Cùng với những con số kinh tế đáng báo động làm tăng khả năng vỡ nợ của Pakistan, môi trường chính trị bất ổn sau khi cựu thủ tướng Imran Khan bị phế truất trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội hồi tháng 4 cũng đã làm tăng thêm rủi ro.
Hiện nay, chính phủ liên minh của Pakistan bao gồm hơn chục đảng phái khác nhau với các mục tiêu kinh tế và chính trị trái ngược nhau. Các đối thủ của ông Khan - những người hiện có mặt trong chính phủ mới - cáo buộc vị cựu thủ tướng này đã thất bại trong xử lý khủng hoảng kinh tế.
Cây bút Syed Fazl-e-Haider bình luận trên báo South China Morning Post: "Liệu một chính phủ yếu có thể xử lý được cuộc khủng hoảng kinh tế đang trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh đối diện nguy cơ vỡ nợ? Rủi ro vỡ nợ thực sự của Pakistan nằm trên mặt trận chính trị hơn là kinh tế".
Quan hệ "bạn bè" xấu đi
Theo tạp chí The Diplomat, hiện "những người bạn" của Pakistan không mấy sẵn sàng chìa tay giúp đỡ Pakistan vì quan hệ của nước này với nhiều láng giềng thân thiết truyền thống đã xấu đi.
Tiêu biểu dưới thời cựu thủ tướng Imran Khan, quan hệ giữa Pakistan với Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước từng hỗ trợ Islamabad trong những lúc cần thiết - đã lạnh nhạt đi nhiều.
Trong khi đó, Trung Quốc không hài lòng khi tiến độ của các dự án trong Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) đã bị chậm lại dưới thời ông Khan.
Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là quan hệ xấu đi đáng kể giữa Pakistan và Mỹ, sau khi Mỹ không hài lòng với việc Pakistan hỗ trợ lực lượng Taliban ở Afghanistan.
4
Pakistan đang đứng thứ 4 trong “Bảng xếp hạng dễ bị tổn thương do nợ công” (thước đo tổng hợp về rủi ro vỡ nợ của một quốc gia) của Bloomberg
71,3%
Nợ công của Pakistan đang ở mức 71,3% GDP.
128 TỈ USD
Tổng nợ nước ngoài của Pakistan tính đến tháng 3-2022, tăng so với mức 86 tỉ USD vào tháng 6-2021.
21 TỈ USD
Số tiền Pakistan phải trả cho các bên cho vay quốc tế trong năm tài chính hiện tại, bắt đầu ngày 1-7.
4.100%
Giá trị của đồng rupee Pakistan so với đôla Mỹ đã giảm hơn 4.100%, từ mức 4,76 rupee đổi 1 USD cách đây 50 năm (tháng 5-1972) xuống 200 rupee đổi 1 USD (ngày 18-5-2022).
248,74
Từ hôm 1-7, giá xăng ở Pakistan là 248,74 rupee (hơn 25.500 VND)/lít, dầu diesel là 276,54 rupee (hơn 28.000 VND)/ lít.
Những con số đáng báo động của Pakistan - Dữ liệu: BẢO ANH tổng hợp
TTO - Bộ trưởng Kế hoạch và phát triển Pakistan đã "gây bão" sau khi kêu gọi người dân giảm uống "chai" (một loại trà truyền thống) để tiết kiệm tiền nhập khẩu trà.
Xem thêm: mth.14363313252702202-2-uht-aknal-irs-hnaht-natsikap-oc-yugn/nv.ertiout