vĐồng tin tức tài chính 365

Bài học từ việc Đức giải cứu hãng năng lượng Uniper

2022-07-26 16:17

Khí đốt từng được Đức coi là một loại nhiên liệu an toàn, đáng tin cậy, giúp tăng nguồn cung nhiên liệu cho nước này trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Uniper - hãng năng lượng hàng đầu của Đức - vì thế đã đặt cược vào nguồn cung từ Nga.

Tuy nhiên, khi xung đột chính trị nổ ra và Nga siết lượng khí đốt sang châu Âu, Uniper phải mua khí đốt đắt đỏ trên thị trường giao ngay để bù vào phần thiếu hụt, dẫn đến thua lỗ trầm trọng. Kết quả là cuối tuần trước, Berlin phải tung ra 15 tỷ euro để giải cứu Uniper. Dù vậy cổ phiếu Uniper vẫn lao dốc, với 29% hôm 22/7 và 8% hôm qua (25/7).

Theo Wall Street Journal, vụ giải cứu Uniper mang đến hai bài học. Một là thay đổi cung - cầu trong thị trường năng lượng diễn ra nhanh hơn dự kiến, thậm chí có thể xuất hiện những yếu tố bất ngờ như xung đột địa chính trị. Đối với một ngành vốn có tính ổn định và cân bằng cao, sự dễ tổn thương là khó tránh.

Uniper được tách ra từ hãng năng lượng Đức E.ON năm 2016, để E.ON tập trung vào năng lượng tái tạo. Khi đó, Uniper hứa với các nhà đầu tư sẽ đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Nhưng chỉ 6 năm sau, họ phải lên tiếng kêu cứu. Có thể thấy rằng thành tích trong quá khứ không phải là một dự đoán tốt về tương lai khi thị trường năng lượng ngày nay đang thay đổi nhanh chóng.

Logo của Uniper và các hoạt động kinh doanh của hãng tại gian hàng trưng bày ở Gastech, hội chợ lớn nhất thế giới về ngành công nghiệp khí đốt, ở Chiba, Nhật Bản ngày 4/4/2017. Ảnh: Reuters

Logo Uniper và các mảng kinh doanh của hãng tại gian hàng ở hội chợ Gastech (Nhật Bản). Ảnh: Reuters

Hệ thống năng lượng vốn có tính cố định cao, với các thiết bị có thời gian sử dụng dài. Vì thế, nó khiến nhiều người nghĩ rằng sự thay đổi sẽ diễn ra chậm chạp, đặc biệt là khi các dự án mới phải mất nhiều năm mới đi vào hoạt động.

Việc thay thế các máy móc và quy trình tiêu thụ năng lượng cũng rất tốn kém. Đặc tính kém linh hoạt của cung - cầu trên thị trường năng lượng có mặt trái là gây ra biến động giá lớn khi điều kiện thay đổi (như địa chính trị) và thị trường mất cân bằng.

Ngoài yếu tố bất ngờ là chính trị, rõ ràng quá trình chuyển đổi năng lượng hiện diễn ra nhanh hơn dự kiến của các nhà hoạch định chính sách. Đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch vẫn hạn chế, dù nguồn cung ngày nay eo hẹp và giá cao. Ngược lại, các khoản đầu tư vào năng lượng sạch đang tăng lên do hiệu quả về chi phí được cải thiện.

Theo BloombergNEF, hai phần ba lượng điện hiện được tạo ra ở các quốc gia mà điện mặt trời, điện gió sản xuất mới sẽ rẻ hơn điện than, điện khí đốt. Ngoài ra, còn có những tác động khác khiến ngành năng lượng phải chuyển dịch, như thời tiết ngày càng khắc nghiệt; an ninh năng lượng được ưu tiên trở lại; và giá nhiên liệu, khí thải cao hơn.

Bài học thứ hai là số phận của Uniper cho thấy điểm yếu khác của ngành năng lượng - bị chi phối quá nhiều bởi chính trị. Các nhà lập pháp có xu hướng phản ứng nhanh với giá nhiên liệu tăng. Ví dụ, các nước châu Âu áp trần giá bán lẻ đến người tiêu dùng. Tổng thống Mỹ Biden thì gây áp lực buộc các công ty khai thác dầu mỏ nhiều hơn.

Riêng với trường hợp của Uniper, luật bảo vệ người tiêu dùng của Đức cấm doanh nghiệp chuyển phần lớn chi phí năng lượng lên cho khách hàng. Việc này khiến tập đoàn nhanh chóng rơi vào cảnh túng quẫn khi giá đầu vào tăng cao.

Trên thực tế, Uniper đã gặp khó từ trước khủng hoảng Ukraine. Hồi tháng 1, họ đã buộc phải vay khoảng 10 tỷ euro từ Fortum (Phần Lan) - cổ đông lớn của hãng - và Ngân hàng KfW, do giá khí đốt tăng vọt năm ngoái đã ăn mòn lợi nhuận.

Đến tháng 5, S&P cảnh báo về mức độ phục thuộc của Uniper với nguồn cung Nga và hạ xếp hạng tập đoàn này xuống mức BBB-. Đây là mức xếp hạng đầu tư thấp nhất.

Đến khi Uniper cầu cứu, việc chính phủ vào cuộc cũng kéo theo rủi ro cho các cổ đông Uniper. Chính phủ có thể dần nắm quyền chi phối và thậm chí quốc hữu hóa hoàn toàn, tương tự trường hợp của EDF (Pháp).

Còn với đối ngoại, năng lượng có thể được các quốc gia giàu tài nguyên xem là "vũ khí" khi đối đầu. Giữa tháng này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cáo buộc Nga "vũ khí hóa" khí đốt. Wall Street Journal thì cho rằng hiện tại, chính sách của Nga có hiệu quả lớn tại châu Âu. Tuy nhiên, sức mạnh của họ sẽ suy yếu khi thế giới trở nên xanh hơn, tức là dùng nhiên liệu sạch hơn.

Hôm 22/7, ông Scholz nhấn mạnh gói cứu trợ Uniper là cần thiết vì công ty năng lượng này "có tầm quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển kinh tế của đất nước". Giá năng lượng cũng sẽ tăng vào tháng 10, khi chính phủ áp dụng mức thuế đặc biệt để phân chia gánh nặng giá giữa các công ty và người tiêu dùng. Dự kiến, một hộ gia đình bốn người sẽ tốn thêm 200 đến 300 euro mỗi năm cho chi phí năng lượng.

Tuy nhiên, ông không loại trừ các kịch bản bi quan hơn. "Chúng tôi tin rằng chúng ta có thể vượt qua mùa đông sắp tới", ông nói, "Tuy nhiên, chúng tôi luôn đánh giá lại tất cả các khả năng. Các trường hợp xấu nhất đã được tính đến".

Đức cũng đang nỗ lực kêu gọi các nước EU khác thể hiện tình đoàn kết trong việc giảm tiêu thụ khí đốt. "Đoàn kết ở châu Âu áp dụng cho tất cả các quốc gia thành viên một cách vô điều kiện", ông khẳng định.

Phiên An (theo WSJ, Politico)

Xem thêm: lmth.1512944-repinu-gnoul-gnan-gnah-uuc-iaig-cud-ceiv-ut-coh-iab/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bài học từ việc Đức giải cứu hãng năng lượng Uniper”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools