Từ tháng 5 đến nay, bệnh đậu mùa khỉ lan nhanh trên toàn cầu dù trước đó ca nhiễm chỉ giới hạn trong hai khu vực Trung và Tây Phi. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới đã có hơn 17.000 ca nhiễm, trong đó ít nhất năm ca tử vong tại 75 quốc gia và vùng lãnh thổ. Làn sóng nhiễm mới xuất hiện phần lớn ở các quốc gia châu Âu và Mỹ, song châu Á cũng đã ghi nhận nhiều ca bệnh tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Singapore, Nhật, Úc và Đài Loan.
Không chỉ lây lan trong giới đồng tính
Theo cổng thông tin chính thức của WHO, bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đậu mùa khỉ biểu hiện tương tự như bệnh đậu mùa với triệu chứng sốt, nhức đầu, đau nhức cơ, kiệt sức. Bệnh nhân có thể xuất hiện phát ban giống như mụn nhọt khắp cơ thể, nhiều ở mặt, bàn chân, bàn tay, bộ phận sinh dục và trong miệng.
Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, mối đe dọa của bệnh đậu mùa khỉ hiện ở mức độ vừa phải trên toàn cầu. Với những công cụ đang có hiện nay, thế giới có thể kiểm soát dịch bệnh bùng phát và ngăn chặn sự lây nhiễm.
Theo đài NPR, các bác sĩ nhận thấy một số bệnh nhân chỉ phát triển phát ban diện hẹp, dễ nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục như herpes hoặc giang mai. Phát ban thường kéo dài 2-4 tuần. Một số người bị phát ban trước các triệu chứng khác, trong khi những người khác có thể chỉ bị phát ban. Đã có những trường hợp nhiễm không triệu chứng và hiện vẫn chưa rõ liệu những người này có thể lây bệnh hay không.
Đậu mùa khỉ có đường lây truyền đi từ động vật sang người hoặc từ người sang người. Người khỏe mạnh khi tiếp xúc gần với người bệnh thông qua tiếp xúc mặt đối mặt, da kề da, miệng - miệng hoặc miệng - da, hoặc quan hệ tình dục sẽ bị lây nhiễm. Khi người khỏe sử dụng quần áo, giường, khăn tắm, đồ vật, thiết bị điện tử và các bề mặt khác mà người bệnh đã sử dụng trước đó cũng có thể bị nhiễm. Nguy cơ nhiễm cũng xảy ra khi người khỏe hít phải vảy da hoặc virus từ vật dụng của người bệnh.
Người dân Mỹ xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ ở TP New York ngày 17-7. Ảnh: BLOOMBERG |
Virus này cũng có thể lây lan từ phụ nữ mang thai qua thai nhi, sau khi sinh qua tiếp xúc da kề da, hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang trẻ sơ sinh hoặc trẻ em khi tiếp xúc gần gũi. Các mẫu DNA của virus đậu mùa khỉ đã được tìm thấy trong tinh dịch nhưng giới khoa học vẫn chưa biết liệu bệnh có thể lây lan qua tinh dịch, dịch âm đạo, nước ối, sữa mẹ hoặc máu hay không. Các cơ chế lây truyền qua đường không khí vẫn chưa được làm rõ và đang được nghiên cứu thêm.
Khẩn trương hành động
Khi tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến cáo các nước trên toàn thế giới tăng cường giám sát, truy vết, xét nghiệm và đảm bảo rằng những người có nguy cơ cao được tiếp cận với vaccine và thuốc kháng virus.
Tại Mỹ, New York là bang ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với khoảng 900 ca, tiếp đến là California với 356 ca và Florida với 247 ca, theo dữ liệu từ Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ. Nhiều ý kiến băn khoăn về việc số ca nhiễm ở New York tăng nhanh trong thời gian ngắn, tuy nhiên đến lúc này chưa có kết luận liệu có sự khác biệt nào trong cơ chế lây lan ở bang này so với các nơi khác hay không.
Các chuyên gia lo ngại do khả năng xét nghiệm chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên có thể số ca nhiễm ở Mỹ trên thực tế có thể cao hơn số công bố. Một số chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo Mỹ đang đứng trước thời điểm quan trọng để kiểm soát đợt bùng phát lần này. Mỹ ngày 25-7 cho biết đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng, có kế hoạch bổ nhiệm một quan chức Nhà Trắng phụ trách giám sát và điều phối các nỗ lực ứng phó với tình hình bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ, theo tờ The Washington Post.
Các nước châu Âu vẫn đang tích cực đối phó với dịch bệnh. Tại Đức, Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) từ ngày 21-7 đã khuyến nghị tiêm mũi vaccine đậu mùa khỉ đầu tiên cho những người có nguy cơ cao và mũi thứ hai sẽ được tiến hành khi có đủ số lượng.
Tại châu Á, ngày 25-7, Giám đốc WHO khu vực Đông Nam Á - bà Poonam Khetrapal Singh kêu gọi các quốc gia trong khu vực tăng cường các biện pháp giám sát và phòng chống dịch bệnh, kênh Channel News Asia đưa tin. Bà đề xuất các nước Đông Nam Á đẩy mạnh nghiên cứu vaccine bên cạnh việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Tại Thái Lan, dù chỉ mới xác nhận ca nhiễm đầu tiên vào tuần trước nhưng nước này đã thực hiện các bước đối phó với bệnh đậu mùa khỉ kể từ tháng 5, theo tờ The Bangkok Post. Các bệnh viện đã được yêu cầu sàng lọc các trường hợp có thể nhiễm bệnh và ngay lập tức xét nghiệm những ca nghi nhiễm.•
Hãng sản xuất vaccine đậu mùa khỉ chuẩn bị mở rộng sản xuất
Ngày 26-7, công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic (Đan Mạch) sản xuất vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ mang tên Imvanex thông báo đang làm việc với một nhà sản xuất có trụ sở tại Mỹ để mở rộng năng lực sản xuất, theo hãng tin Reuters.
Lãnh đạo của Bavarian Nordic - ông Paul Chaplin nói ông hy vọng quá trình đó sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, Bavarian Nordic cũng đang trao đổi với các nhà sản xuất khác chuẩn bị cho trường hợp cần mở rộng sản xuất.
Theo ông Chaplin thì Bavarian Nordic có khả năng sản xuất khoảng 30 triệu liều mỗi năm, tuy nhiên “chúng tôi sẽ chỉ cân nhắc mở rộng thêm nếu dịch bùng phát lan rộng hơn nữa hoặc nhu cầu về vaccine tăng lên đáng kể”.
Hiện Imvanex là loại vaccine duy nhất được cấp phép để sử dụng trong phòng chống bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ và Canada. Liên minh châu Âu (EU) ngày 25-7 cũng mới phê duyệt chính thức đưa loại vaccine này vào sử dụng.