vĐồng tin tức tài chính 365

Gặp gỡ người thương binh kinh doanh giỏi, tạo việc làm cho nhiều lao động

2022-07-27 11:17

Năm 1984, ông Nguyễn Văn Kiệt theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tình nguyện lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây - Nam và giúp nước bạn Campuchia. Trong chiến dịch mùa khô năm 1985, ông Kiệt bị thương gãy đùi phải. Sau nhiều tháng điều trị ở nước bạn, ông trở về nước tiếp tục trị thương ở các bệnh viện quân đội, sau đó phục viên.

Trở về quê ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang sinh sống với tài sản chẳng có gì ngoài chiếc ba lô với vài bộ quần áo cũ, cùng với vết thương thường xuyên đau nhức ở chân. Tuy nhiên với bản chất kiên cường của người lính, ông Kiệt đã cố gắng hết sức để vượt qua khó khăn xây dựng cuộc sống mới. Nhận thấy sức khỏe của mình không thể tham gia làm những công việc nặng nhọc của nghề nông nên sau nhiều lần đắn đo, suy nghĩ ông Kiệt quyết định đi mua đồ nhựa ở các cơ sở sản xuất rồi về chèo ghe đi rao bán lẻ ở nhiều nơi để kiếm sống qua ngày.

gap go nguoi thuong binh kinh doanh gioi, tao viec lam cho nhieu lao dong hinh anh 1
Vợ chồng ông Kiệt tự thiết kế các mẫu hàng gia dụng để sản xuất cung cấp cho thị trường.

“Về quê Hòa Mỹ lại, cũng gặp khó khăn do vùng sâu, vùng xa, với sức khoẻ như vậy thì không phù hợp để sống ở đó. Tôi mới đi ra ngoài kiếm cái gì làm, thấy nghề mua bán cũng nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe. Lúc đầu ra cũng mua bán dạo, bán đồ nhựa, bán dạo dạo ở xóm, ở chợ nhỏ. Sau khi tích lũy được một số kiến thức, với một số vốn mới phát triển lên cho tới giờ. Cũng nhờ chính quyền địa phương thấy mình thương binh cũng hỗ trợ nhiều mặt”, ông Nguyễn Văn Kiệt chia sẻ.

Sau thời gian bán đồ nhựa dạo, đến năm 1993, ông Nguyễn Văn Kiệt lập gia đình và quyết định ra thành phố Ngã Bảy để lập nghiệp. Vốn là người chịu khó, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, ông Kiệt sớm nhận ra tiềm năng của ngành kinh doanh đồ nhựa, nên đã quyết định mở một tiệm bán đồ nhựa nho nhỏ ở thành phố Ngã Bảy. Thời gian đầu, đồng vốn nhỏ, ông thuê một mặt bằng chỉ rộng vài mét vuông để vợ ông bán tại tiệm, còn ông đi bán đồ nhựa dạo khắp các tuyến đường.

gap go nguoi thuong binh kinh doanh gioi, tao viec lam cho nhieu lao dong hinh anh 2
Sản phẩm do ông Kiệt sản xuất được nhiều nơi tiêu thụ với số lượng lớn.

Nhờ siêng năng, chăm chỉ, dần dà vợ chồng ông đã tích lũy được số vốn nho nhỏ. Có vốn, ông Kiệt mạnh dạn học hỏi thêm về sản xuất đồ gia dụng bằng inox, để mở rộng việc sản xuất kinh doanh. Trải qua nhiều năm vất vả, từ hai bàn tay trắng, giờ đây ông Kiệt không chỉ là chủ cửa hàng bán lẻ đồ nhựa, inox, mà còn là chủ Công ty chuyên sản xuất inox, phân phối nhựa gia dụng có tiếng ở thành phố Ngã Bảy. Sản phẩm nhựa, inox của ông được nhiều cửa hàng ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đặt hàng với số lượng lớn. Mỗi năm, ông Kiệt có doanh thu gần 70 tỷ đồng từ việc sản xuất kinh doanh, sau khi trừ mọi chi phí, ông còn lãi vài tỷ đồng.

Nhờ nguồn thu nhập ổn định, gia đình ông Kiệt ngày càng khá giả, có của để dành, có điều kiện lo cho hai con ăn học và có công ăn việc làm ổn định. Hơn thế nữa, ông Kiệt còn tạo việc làm cho gần 60 lao động tại địa phương.

Ông Phan Văn Minh ở xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang làm việc tại Công ty ông Kiệt đã hơn 5 năm, cho biết: “Trước đó, tôi đi mần hồ, ai mướn gì mần nấy nhưng không ổn định, sau đó vào đây làm thì thu nhập ổn định, cũng được hơn 6 triệu/tháng, đủ trang trải gia đình, nuôi mấy đưa con đi học”.

gap go nguoi thuong binh kinh doanh gioi, tao viec lam cho nhieu lao dong hinh anh 3
Công ty của ông Kiệt giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Theo ông Nguyễn Hùng Vũ, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Ngã Bảy, toàn thành phố hiện có 178 thương, bệnh binh. Trong thời gian qua, những thương, bệnh binh này được địa phương chăm lo, thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có công nên hầu hết đều có cuộc sống ổn định. Riêng đối với ông Kiệt dù là thương binh 2/4, sức khỏe suy yếu với vết thương ở đùi thương xuyên đau nhức khi trái gió, trở trời nhưng ông luôn phấn đấu bền bỉ vươn lên trong cuộc sống, có nhiều đóng góp ý nghĩa cho địa phương.

“Anh Kiệt đau đáu trong lòng tình trạng hiện nay thanh thiếu niên phải đi làm ăn xa, phải lên các thành phố công nghiệp. Cho nên anh muốn bây giờ làm sao tạo được công ăn việc làm tại chỗ để người dân mình không phải đi xa. Bên cạnh giải quyết việc làm cho người địa phương thì anh cũng quan tâm công tác xã hội, công tác từ thiện, đền ơn đáp nghĩa. Mặc dù mình là đối tượng chính sách được Nhà nước quan tâm nhưng anh cũng rất quan tâm công tác chính sách để lo cho những người khó khăn hơn mình”, ông Nguyễn Hùng Vũ cho biết.

Khó khăn không lùi bước, gian nan không nản lòng, với những cống hiến trong thời chiến lẫn thời bình, cộng với tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, ông Nguyễn Văn Kiệt thật xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, là tấm gương sáng để nhiều thương binh noi theo./.

Xem thêm: vov.682959tsop-gnod-oal-ueihn-ohc-mal-ceiv-oat-ioig-hnaod-hnik-hnib-gnouht-iougn-og-pag/et-hnik/nv.vov

Comments:0 | Tags:KINH TẾ

“Gặp gỡ người thương binh kinh doanh giỏi, tạo việc làm cho nhiều lao động”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools