Ông Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tính đến năm 2020, quy mô nền kinh tế của tỉnh bao gồm cả dầu khí (theo giá hiện hành) đạt gần 310.000 tỉ đồng - gấp 6,6 lần so với năm 2001.
Cơ cấu kinh tế (trừ dầu khí) chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng từ 47,59% vào năm 2001 lên 55,63% vào năm 2020 và giảm tỉ trọng khu vực nông nghiệp. Đặc biệt, việc phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh này song song với đảm bảo an sinh - xã hội, môi trường và phát triển bền vững.
Các đại biểu dự hội nghị cũng góp ý rằng nên đặt vấn đề phát triển công nghiệp, hiện đại hóa của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong sự phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chứ không chỉ riêng của tỉnh này. Đồng thời, chọn Bà Rịa - Vũng Tàu là một cực tăng trưởng để đầu tư chứ không nên đầu tư dàn trải.
Tàu container đi ngang qua biển Vũng Tàu để vào cảng Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Ông Phạm Viết Thanh, bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định chắc chắn trong tương lai Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là địa phương dẫn dắt sự phát triển của vùng, của cả nước nếu có cơ chế, chính sách phù hợp. Lý do tỉnh có cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải, có khu Cái Mép Hạ rộng 1.700ha được quy hoạch làm trung tâm logistics…
Ông Thanh đề xuất phải có cơ chế, chính sách đi trước để theo kịp tình hình chung, chứ không thể cứ chạy theo, đi sau. Ông cũng cho rằng hình thành một hành lang kinh tế dài gần 300km kéo dài từ cửa khẩu Mộc Bài về sân bay Long Thành đến cảng Cái Mép. "Có như vậy mới tạo ra không gian kinh tế mới", ông Phạm Viết Thanh nói.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh khẳng định Bà Rịa - Vũng Tàu là một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, là cứ điểm để phát triển các ngành kinh tế biển. Ông đánh giá cao việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này có chứa đựng yếu tố phát triển văn hóa, lấy con người làm chủ thể, trung tâm của sự phát triển.
Ông đề nghị Bà Rịa - Vũng Tàu cần phát huy năng lực nội sinh và chủ động, tự chủ và cần có cách làm hay để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cùng ngày, đoàn công tác của Ban Kinh tế trung ương đã có buổi khảo sát, làm việc thực tế tại dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, TP Vũng Tàu. Dự án này có tổng mức đầu tư 5 tỉ USD do Tập đoàn SCG (Thái Lan) làm chủ đầu tư. Dự án khởi công vào năm 2018 và dự kiến trong quý 3-2022, tháng 12-2022 các nhà máy quan trọng của dự án sẽ vận hành, chạy thử.
TTO - Sáng 24-2, tại xã Long Sơn, Vũng Tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn nút khởi công dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam. Đây là dự án do Thái Lan và Việt Nam cùng đầu tư với tổng số tiền lên đến 5,4 tỉ USD.