Giả hồ sơ xin làm bảo vệ để chiếm đoạt tài sản của khách
Mới đây, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ hình sự Đỗ Văn Toàn, SN 1989, trú tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, do mới ra tù, không có công ăn việc làm lại cần tiền tiêu xài nên Đỗ Văn Toàn đã lên mạng xã hội, đăng hồ sơ xin làm bảo vệ thông qua công ty trung gian là Công ty TNHH Samurai. Đáng chú ý, hồ sơ xin việc tại đây rất dễ dàng, người tìm việc chỉ cần gửi ảnh căn cước công dân là có thể được nhận đi làm.
Đối tượng Đỗ Văn Toàn |
Toàn đã sử dụng ảnh căn cước công dân của người khác gửi đến công ty, sau đó được giới thiệu làm nhân viên bảo vệ cho một quán cà phê có địa chỉ tại phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điều đáng nói, toàn bộ thông tin Toàn cung cấp là giả mà cả Công ty TNHH Samurai lẫn phía quản lý quán cà phê đều không kiểm tra lại nhân thân, lai lịch của đối tượng.
Hậu quả, chỉ một ngày sau khi Toàn nhận việc, thanh niên này đã chiếm đoạt chiếc xe máy nhãn hiệu Honda Lead của thực khách, bằng cách nhận chìa khóa và xe để mang đến điểm trông giữ của quán, nhưng đối tượng đã điều khiển phương tiện đi mất.
Hai chiếc xe máy đã bị Đỗ Văn Toàn chiếm đoạt |
Cũng với thủ đoạn trên, chỉ 1 tuần sau, đối tượng đã chiếm đoạt một chiếc xe máy khác, khi đến nhận làm bảo vệ trông giữ xe cho quán gà rán trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội.
Trung tá Tống Đăng Công - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, do nhu cầu tuyển dụng ở những vị trí việc làm không cần nhiều đến bằng cấp, nên không ít cơ sở kinh doanh hàng ăn, uống đã bỏ qua việc xác minh lý lịch của ứng viên, ví dụ như trường hợp của đối tượng Đỗ Văn Toàn.
“Thứ nhất, cơ sở kinh doanh tuyển dụng các vị trí nhân viên bảo vệ thường không cần trình độ, vì đây là công việc có mức thu nhập thấp, người lao động ít gắn bó, do vậy hồ sơ xin việc rất sơ sài, thậm chí không cần các loại giấy tờ tùy thân. Sơ hở này chính là cơ hội cho các đối tượng hoạt động phạm tội” - Trung tá Tống Đăng Công đánh giá.
Hiện nay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung có rất nhiều cơ sở kinh doanh cà phê, nhà hàng ăn uống… vì mặt bằng hẹp, nên chủ cơ sở buộc phải thuê địa điểm trông giữ xe cho khách hàng. Do vậy, thực khách dù muốn hay không khi tới ăn uống ở đây vẫn phải giao cả chìa khóa và xe cho nhân viên bảo vệ, dẫn đến nguy cơ mất tài sản là dễ thấy.
“Chúng tôi cho rằng, không khó để xác minh được nhân thân lai lịch của những đối tượng đến xin việc, vì hiện nay lực lượng công an chính quy đã được phân công về các xã. Do vậy, các cơ sở kinh doanh chỉ cần liên hệ là có thể nắm được lý lịch của người lao động, vừa xiết chặt công tác quản lý, vừa đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng” - Chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hoàn Kiếm nhận định.
Giảm chi phí thuê nhân viên, đồng nghĩa nguy cơ mất an toàn về tài sản
Trước đó, tháng 5-2022, Công an quận Hoàn Kiếm cũng nhận được đơn trình báo của anh Nguyễn Viết Tuấn, bảo vệ ở bãi trông giữ xe khu vực vườn hoa 19-8, mặt phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, về việc bị kẻ gian trộm cắp xe của khách ngay giữa ban ngày. Dù nhìn thấy sự việc, nhưng vì vị trí đứng cách xa điểm đối tượng ra tay nên anh Tuấn đã không kịp trở tay.
Bãi trông giữ xe tại khu vực vườn hoa 19-8 khá rộng, nhưng lại không căng dây mà chỉ cắt cử 1 bảo vệ trông coi |
Liên quan đến vụ việc trên, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, bãi trông giữ xe tại khu vực vườn hoa 19-8 khá rộng, nhưng lại không căng dây mà chỉ cắt cử 1 bảo vệ trông coi. Do vậy, lợi dụng sơ hở này kẻ gian đã trà trộn hoạt động trộm cắp tài sản.
Đây cũng là một thực tế đang diễn ra. Nhiều quán ăn, nhà hàng để cắt giảm bớt chi phí nên chỉ thuê một nhân viên trông giữ xe. Trong khi đó, toàn bộ khu vực trông giữ phương tiện cũng không hề căng dây, nên nhiều đối tượng đã lợi dụng sơ hở này để phạm tội.
Cũng liên quan đến nguy cơ mất an toàn khi gửi xe tại các điểm trông giữ, Trưởng Công an phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm cho biết, nhiều người dân khi đến tham quan, mua sắm tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận thay vì gửi xe tại các điểm trông giữ được cấp phép, đã “vô tư” giao xe cho các đối tượng tại những điểm trông giữ tự phát.
“Các đối tượng thường mang xe vào trong nhà, hoặc để trong ngõ, hay xếp cùng với xe của nhà dân để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Việc trông giữ xe tự phát này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ANTT, như việc các đối tượng lừa đảo có thể vờ nhận trông giữ xe để chiếm đoạt tài sản của người dân, hoặc lợi dụng việc xếp xe rải rác, không quản lý chặt chẽ để trộm cắp…” - Chỉ huy Công an phường Hàng Bạc cho biết thêm.
Cơ quan công an khuyến cáo các cơ sở kinh doanh cần tuyển chọn nhân viên bảo vệ có nhân thân, lai lịch rõ ràng; tăng cường lực lượng bảo vệ trông giữ xe nếu số lượng phương tiện đông và phải căng dây để tránh tội phạm lợi dụng sơ hở hoạt động. Người dân không nên giao tài sản cho các đối tượng nhận là nhân viên bảo vệ, phải có sự xác thực của quản lý cơ sở kinh doanh.