Bán hàng trả chậm là phương thức phổ biến tại thị trường Việt Nam, với trọng tâm là khuyến khích duy trì kinh doanh với các khách hàng trung thành và tin cậy hiện có.
Atradius là thành viên của Grupo Catalana Occidente (GCO.MC), một trong những nhà cung cấp bảo hiểm lớn nhất ở Tây Ban Nha. Atradius hiện diện chiến lược tại hơn 54 quốc gia và khả năng tiếp cận thông tin tín dụng của hơn 260 triệu công ty trên toàn cầu.
Atradius đã có mặt ở Đông Nam Á (SEA) từ năm 2007 và có trung tâm khu vực châu Á của tại Hong Kong.
Năm 2018, Công ty TNHH Dịch vụ Thông tin Atradius Việt Nam được thành lập. Tại Việt Nam, Atradius làm việc với các đối tác là Công ty TNHH Bảo Hiểm Tokio Marine Việt Nam (TMIV) và Tổng Công ty Bảo Hiểm Bảo Việt (BV) từ năm 2011 và 2013. Cả hai sẽ cung cấp hợp đồng bảo hiểm tín dụng thương mại theo các tiêu chuẩn và quy trình thẩm định rủi ro bảo hiểm của Atradius.
Tuy nhiên, gần một nửa tổng giá trị doanh số bán hàng trả chậm B2B vẫn chưa được thanh toán vào ngày đáo hạn, dẫn đến nguy cơ rủi ro dòng tiền của doanh nghiệp. Đây là một trong những điểm mấu chốt trong Báo cáo về Xu hướng Thực tiễn Thanh toán ở Việt Nam, được Atradius phát hành lần đầu tiên cho thị trường Việt Nam vào cuối tháng 06/2022.
Báo cáo trình bày các thực tiễn và hành vi thanh toán B2B ở Việt Nam, từ đó chỉ ra xu hướng và tình hình phát triển kinh doanh tại đây. Nghiên cứu dựa trên Phỏng vấn trên web có Máy tính Hỗ trợ (CAWI) với thời lượng khoảng 15 phút được thực hiện với 200 đầu mối liên hệ thích hợp quản lý các khoản phải thu tại Việt Nam trong quý 2 năm 2022, bởi CSA Research, một công ty nghiên cứu thị trường độc lập có trụ sở tại Hoa Kỳ.
200 công ty tham gia cuộc khảo sát đến từ năm ngành công nghiệp gồm nông sản và thực phẩm, hóa chất, thép/kim loại, hàng tiêu dùng lâu bền và dệt/may mặc. Trong số 200 danh nghiệp có cả tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn, SMEs và cả startup. Các công ty này tiến hành thương mại ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, báo cáo cho thấy: hơn một nửa (58%) tổng giá trị giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) trong những tháng qua được thực hiện bằng hình thức bán hàng trả chậm và có tới 48% các giao dịch này là hóa đơn quá hạn. Thêm vào đó, mức độ xoá nợ là 6% (con số này là 9% cho ngành thép/kim loại).
Ở 2 chỉ số hóa đơn quá hạn và mức độ xóa nợ, thì trung bình châu Á là 50% và 7%. Còn nếu so sánh với vài nước trong khu vực, các chỉ số đầu của Việt Nam đang cao hơn Indonesia – lần lượt là 46% và 7%; thấp hơn Trung Quốc 50% - 3% cùng Ấn Độ là 54% - 8%.
Mặc dù thực tiễn bán hàng trả chậm rõ ràng đóng một vai trò quan trọng tại thị trường Việt Nam với phần lớn các doanh nghiệp được hỏi (66%) cho biết điều đó có nghĩa là cung cấp cho khách hàng các điều khoản thanh toán tự do hơn, hoạt động này cũng đồng nghĩa với Thời hạn Thu hồi Tiền hàng Tồn đọng (DSO) xấu đi, một phần do thời hạn thanh toán được cấp dài hơn.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện một loạt các hành động để giảm độ dài của DSO, giúp cải thiện dòng tiền; bao gồm: đàm phán các điều khoản thanh toán ngắn hơn với khách hàng, cung cấp chiết khấu để thanh toán hóa đơn nhanh hơn.
Bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch và lo ngại về việc chuỗi cung ứng đang bị đe dọa gián đoạn do bất ổn kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp ở Việt Nam đều thể hiện một kỳ vọng tích cực chung.
Tất cả các công ty được thăm dò ý kiến tại thị trường Việt Nam đều kỳ vọng thực tiễn thanh toán của khách hàng B2B của họ sẽ được cải thiện trong 12 tháng tới.
Trong khi, chỉ số niềm tin kinh doanh tại thị trường Việt Nam cho thấy: một số lượng lớn đáng kể các công ty dự đoán sự gia tăng giao dịch bằng tín dụng, do các doanh nghiệp coi sự trung thành của khách hàng và tái giao thương với các khách hàng B2B hiện là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh của mình.
Sự cần thiết phải có chiến lược quản lý tín dụng chặt chẽ là nội dung chủ đạo suốt cuộc khảo sát. 51% các công ty chọn lựa giải pháp tự quản lý rủi ro khách hàng ngay cả khi rủi ro của chiến lược này là tạo gánh nặng nguồn lực và không cho phép công ty sử dụng các nguồn tiền đó để mở rộng kinh doanh.
Mặt khác, 42% các công ty được hỏi có thuê dịch vụ ngoài của một công ty bảo hiểm tín dụng hoặc mua các giải pháp tài chính thương mại cụ thể. Ở khu vực châu Á: có 50% công ty ở Indonesia được hỏi có thuê dịch vụ ngoài, Ấn Độ là 72% và Singapore là 45%.
Bà Vũ Thị Đức Hạnh, Giám đốc Quốc gia của Atradius Việt Nam, chia sẻ: "Việc áp dụng các chiến lược và công cụ quản lý rủi ro tín dụng mạnh mẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ doanh nghiệp của bạn trước những khách hàng không trả được nợ.
Chiến lược này cũng mang lại quyền truy cập vào thông tin rủi ro chuyên sâu của khách hàng tiềm năng và theo dõi thường xuyên thông tin thị trường. Một công cụ như bảo hiểm tín dụng thương mại có thể giúp các doanh nghiệp cải thiện DSO và giải phóng vốn lưu động".
Bà Vũ Thị Đức Hạnh - Giám đốc Quốc gia của Atradius Việt Nam
Cũng theo bà Vũ Đức Hạnh, bảo hiểm tín dụng luôn cần thiết cho các doanh nghiệp, không phải chỉ trong thời Covid-19. Cách đây 10 năm, Bộ Tài chính Việt Nam đã khuyến khích doanh nghiệp Việt sử dụng công cụ này, bằng cách hỗ trợ 20% phí bảo hiểm cho những doanh nghiệp đáp ứng những tiêu chí cụ thể mà Bộ đưa ra.
Tuy nhiên, việc lựa chọn tham gia hay không các dịch vụ bảo hiểm tín dụng phụ thuộc nhiều vào từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp đó có sức khỏe tài chính như thế nào? Nếu khách hàng lớn không trả tiền đúng hạn thì họ có bị khánh kiệt hoặc phá sản hay không? Họ có chủ động tìm hiểu về các dịch vụ bảo vệ tín dụng hay không?
Bên cạnh đó, khi chọn thanh toán trả chậm, có vài phương thức để bảo đảm sự chi trả như thư tín dụng LC, trích lập dự phòng (tự quản lý rủi ro), thuê nhân viên tài chính kỳ cựu, thuê ngoài – thuê các công ty đòi nợ…Tuy nhiên, phương thức nào cũng có những ưu nhược điểm riêng, ví dụ: nhiều người mua không thích phương thức thanh toán LC.
Vậy nên, sẽ tùy từng khách hàng – ngành hàng – mức độ rủi ro… để doanh nghiệp chọn 1 phương thức bảo đảm tín dụng phù hợp.
"Khi Atradius tiếp nhận một yêu cầu bảo hiểm tín dụng thương mại của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ xem xét cách quản lý rủi ro tín dụng, lịch sử nợ xấu, khách hàng của họ ở đâu (quốc gia – ngành hàng), hạn mức yêu cầu bảo hiểm là bao nhiêu…? Mức phí mà Atradius thu sẽ phụ thuộc vào mức độ rủi ro của khoản tín dụng này – tức khả năng chi trả của khách mua.
Ngoài ra, thường thì doanh nghiệp sẽ không yêu cầu bảo hiểm 100% giá trị hợp đồng bán, nên nếu khách mua không trả khi hợp đồng đáo hạn, chúng tôi chỉ chi trả dựa trên hạn mức đã thỏa thuận trong hợp đồng. Tổng số tiền bảo hiểm của Atradius trên toàn cầu năm 2021 là 725 triệu Euro (so với năm 2020 là 614 triệu Euro).
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp có suy nghĩ khá lạ. Trong Covid-19, nhiều doanh nghiệp đi tìm các công ty bảo hiểm, nhưng trong thời điểm đó do rủi ro quá cao, nên các công ty bảo hiểm có quyền từ chối. Bây giờ, khi Covid-19 đã tạm lắng xuống, nhu cầu bảo hiểm của doanh nghiệp Việt quay trở lại như bình thường", Giám đốc Quốc gia Atradius Việt Nam, nhận định.
Tổng quy mô thị trường bảo hiểm tín dụng thương mại trên toàn cầu năm 2021 là hơn 7 tỷ Euro so với năm 2020 là hơn 6 tỷ Euro. Theo ICISA, Atradius nắm giữ 25,5% thị phần trên toàn thế giới, thuộc top 3 tập đoàn bảo hiểm tín dụng lớn nhất thế giới.
Quỳnh Như
Theo Nhịp Sống Kinh Tế