Chỉ trong vòng 15 phút kể từ khi nhận thấy tàu chìm, 15 ngư dân xóm biển Phú Tài (TP.Phan Thiết, Bình Thuận) quyết định đối đầu với tử thần. Bỏ tàu, cả nhóm quăng 2 thúng chai xuống biển, chia nhau 8 người lên thúng lớn, 7 người lên thúng nhỏ. Đến 9 ngày sau, thúng 7 người được một tàu Bình Định tiếp cận và cứu, lúc này trên thúng chỉ 4 người còn sống, các thuyền viên còn sống đã phải thả thi thể 3 người tử vong xuống biển.
Riêng thúng 8 người vẫn bị trôi dạt sau hơn 12 ngày mới được một chiếc tàu vận tải nước ngoài phát hiện và đưa lên tàu cấp cứu, lúc này trên thúng cũng chỉ còn 5 người sống, tương tự như thúng 7 người, thi thể 3 người tử vong đã phải nằm lại ngoài khơi.
Việc thả thi thể của những thuyền viên xấu số lại ngoài biển được diễn tả là một điều "hết sức đau đớn", nhất là khi đó chính là anh ruột, chú ruột, những người hàng xóm đã đồng cam cộng khổ với họ qua biết bao nhiêu chuyến tàu...
Nhưng không còn cách nào khác!
Ngư dân bị nạn ám ảnh chuyện thả trôi xác người thân
Không có ai muốn thả xuống biển
Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Thành Luyến (sinh năm 1986, trú khu phố 4, phường Phú Tài, TP Phan Thiết), anh Luyến là 1 trong 9 thuyền viên may mắn sống sót sau vụ chìm tàu BTH 97478 TS.
"Không có ai muốn thả xuống biển, dù là người thân hay người ngoài nếu không bất đắc dĩ thì không ai làm vậy", câu nói anh Luyến bị cắt ngang khi chúng tôi có mặt tại nhà. Trong không khí thăm hỏi của bà con và chính quyền địa phương, anh Luyến im lặng một hồi lâu, lấy lại sức thở rồi trầm ngâm đáp lại từng lời thăm hỏi một.
"Sức chưa kịp phục hồi mà", một người chị trong nhà anh Luyến giải thích thay em trai.
Sau khi bỏ tàu, chia nhau xuống 2 thúng tránh nạn, các thuyền viên của 2 thúng giữ khoảng cách gần được 5 ngày sau đó bị sóng đánh lạc nhau. Thúng của anh Luyến có 7 người, ngoài hàng xóm, trên thúng còn có anh Nguyễn Thành Lãng (anh trai của anh Luyến) và Nguyễn Thành Lương (chú của anh Luyến).
Anh Luyến thất thần nhớ lại hoàn cảnh trên thúng
Anh Luyến buồn bã khi nhắc đến cảnh tượng ngày đầu tiên người chú tên Nguyễn Thành Lương mất, hay nói một cách chính xác hơn là cảnh mình thả thi thể của chú "về với mẹ biển".
"Lúc đó là khoảng 4 giờ rưỡi sáng ngày 16/7, tôi để đến khi trời sáng khoảng 6 giờ hơn mới thả xác xuống biển", anh Luyến ngậm ngùi.
Ngồi trên miệng thúng sinh tồn nhiều ngày liền, ngoài kiệt sức vì đói và khát, các thuyền viên còn phải chịu trận bởi thời tiết khắc nghiệt, ban ngày thì nắng lột da, ban đêm thì mưa gió dầm dề, cộng thêm nước biển làm chân tay lở loét, các vết thương nhiễm trùng sau đó sốt và rơi vào cơn mê sảng. Sức một người bình thường có lẽ không qua nổi 24 giờ. Trụ được đến ngày thứ 5 - 6 kỳ thực là một điều rất kỳ diệu.
Tiếp lời kể của anh Luyến chúng tôi được biết, sau ông Nguyễn Thành Lương, ông Nguyễn Văn Hạ (sinh năm 1968) cũng mất vì kiệt sức. Người mất sau cùng trên thúng 7 người là anh Nguyễn Thành Lãng (anh hai của anh Luyến). Thi thể của họ đều được thả vào ban ngày, khi ánh mặt trời lên trên biển.
Lý giải điều này, anh Luyến trả lời rằng: "Để đến khi trời sáng mới thả, để mọi người ra đi ấm áp", nghe được những điều này, người thân của anh Luyến ngồi bên ngoài cửa nhìn vào không khỏi ngậm ngùi.
Miêu tả cảm xúc bản thân thời điểm lúc bấy giờ, anh Luyến chỉ nói: "Ám ảnh lắm". Sau câu nói này, anh Luyến gục mặt, hít rất sâu rồi thở dài một hơi như lời từ chối tiếp nhận thêm bất kỳ một câu hỏi nào.
Nhà anh Luyến chia ra 2 nửa cảm xúc, 1 là mừng cho người may mắn trở về, 2 là buồn vì người không may phải bỏ mạng ngoài khơi
Hai cha con nhiều ngày không nhìn mặt, không nói chuyện với nhau
Ông Nguyễn Thành Là (cha của anh Luyến), người có 3 người con và một người em trai ruột cùng là thuyền viên trên tàu bị chìm. Sau tai nạn này, chỉ có 2 người con của ông trở về, riêng con trai cả và người em ruột đã nằm lại với mẹ biển.
"Lúc nghe tin tàu chìm, tôi chỉ còn thể xác chứ không còn linh hồn. Cho đến khi nghe tin thằng thứ 5 (anh Luyến) vào bờ được rồi tôi mới nhẹ người", ông Là nói.
Người cha tuổi ngoài 70, đã từng có vài chục năm đánh bắt xa bờ nhưng nay không khỏi đau xót, rụng rời khi nghe tin tàu chìm mà trên đó chính các con và người thân của ông không biết sống hay chết.
"Chú nó chết trước, hai anh em nó thả xuống biển, đến khi anh hai nó mất nó (anh Luyến) thả xuống biển, coi như phận người mỏng manh", ông Là nói.
Trên tay cầm một bao thuốc lá, ông Là đốt lên sau đó cắm vào lư hương trên bàn thờ con trai thứ thứ 2. Đây có lẽ là điếu thứ 2 ông Là đốt cho con trong suốt 2 giờ đồng hồ ngồi cùng chúng tôi ngồi.
"Tôi chỉ đứng đây một lúc rồi đi, chứ đứng lâu chịu không nổi. Nhiều ngày rồi tôi cũng không nhìn mặt thằng Luyến, hai cha con đến nay cũng chưa nói chuyện gì", ông Là nói.
Giải thích cho điều này để người nghe đỡ phải hiểu lầm ông giận con, ông Là tiếp lời: "Không phải giận, vì con mình nó mới về, nó thở còn yếu mà bà con đến thăm đông quá".
Anh La mặc dù đã trở về cùng em trai nhưng không khỏi nỗi đau mất anh lớn và chú ruột
Sự im lặng và thông cảm của ông Là dành cho anh Luyến vào thời điểm này có lẽ là điều an ủi duy nhất mà anh Luyến cảm nhận được giữa rất nhiều sự bối rối, ám ảnh.
Hiện tại, ông Là cũng đã đón thêm anh Nguyễn Thành La (SN 1982) trở về. Anh La là 1 trong 8 thuyền viên ở thúng thứ 2 may mắn được một tàu nước ngoài cứu sống sau 12 ngày lênh đênh trên biển. Nói với chúng tôi, ông Là cho rằng ông sẽ không hỏi hay nói bất kỳ điều gì, để các con có thời gian nghỉ ngơi, bình phục. Riêng nỗi đau mất em trai và người con lớn lúc này lấn át tâm trí ông hơn bao giờ hết.
Như đã thông tin trước đó, tàu BTH 97478 TS mất liên lạc vào ngày 10/7, nhận thấy tàu chìm dần, thuyền trưởng cùng 14 thuyền viên còn lại chia nhau xuống 2 thúng chai, một thúng 7 người, một thúng 8 người, rồi thả trôi giữa biển khơi. Sau 9 ngày lênh đênh trên biển, thúng 7 người được một tàu Bình Định tiếp cận và cứu, lúc này trên thúng chỉ 4 người còn sống.
Riêng thúng 8 người vẫn bị trôi dạt sau hơn 12 ngày mới được một chiếc tàu vận tải nước ngoài phát hiện và đưa lên tàu cấp cứu, lúc này trên thúng cũng chỉ còn 5 người sống. Các thuyền viên may mắn thoát chết đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa bàn giao (2 lần) cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận để đưa về thành phố Phan Thiết đoàn tụ với gia đình, riêng những thuyền viên xấu số... thi thể họ đã nằm lại ngoài khơi.
Danh tính 5 ngư dân được cứu sống trên thúng 8 người:
1. Bùi Văn Toàn (SN 1972, trú khu phố 3, Phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
2. Nguyễn Văn Mỹ (SN 1964, trú thôn Tiến Thạnh, xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết).
3. Bùi Văn Vinh (SN 1980, huyện Cái Nước, Cà Mau).
4. Lê Văn Dũng (SN 1986, trú khu phố 8, phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết).
5. Nguyễn Thành La (SN 1982, trú khu phố 4, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
Danh tính 4 ngư dân được cứu trên thúng 7 người:
1. Nguyễn Thành Luyến (SN 1986, trú khu phố 4, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
2. Hà Văn Tấn (SN 1977, trú khu phố 3, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
3. Trần Theo (SN 1967, trú khu phố 6, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
4. Trần Thuận Thanh (SN 1968, trú khu phố 8, phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết).
Danh tính 6 người tử nạn trên cả 2 thúng:
1. Nguyễn Thành Lương (SN 1976, trú khu phố 4, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
2. Nguyễn Thành Lãng (SN 1976, trú khu phố 4, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
3. Nguyễn Văn Hạ (SN 1968, trú khu phố 6, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
4. Lê Văn Mót (SN 1986, trú khu phố 6, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
5. Lê Văn Thanh (SN 1984, trú khu phố 3, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
6. Phan Văn Tám (SN 1970, trú khu phố 3, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
Theo Bảo Trân
Trí Thức Trẻ