Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km, Bát Tràng là làng gốm có tuổi đời hơn 500 năm. Trải qua bao thăng trầm, người dân nơi đây vẫn giữ nguyên vẹn nhiều dòng men gốm quý.
Phát triển du lịch là hình thức được họ sử dụng để quảng bá cho hình ảnh của làng nghề.
Trong không gian rộng khoảng 50m2 tại tầng G, Bảo tàng nghề gốm Bát Tràng, rất đông bạn trẻ đang ngồi tỉ mẩn sáng tạo sản phẩm gốm cho riêng mình bằng vật dụng cơ bản nhất của nghề gốm là đất sét và bàn xoay.
Tại đây, du khách được hướng dẫn cách tạo hình chiếc cốc đơn giản bằng tay thông qua các kỹ thuật: nặn, vuốt gốm. Với trải nghiệm này, bạn sẽ được thỏa thích thể hiện cá tính của mình bằng các tạo hình thú vị cùng đất sét.
Nhiều gia đình tranh thủ dịp cuối tuần để đưa con đến trải nghiệm thử làm gốm - Ảnh: HÀ QUÂN
Với mong muốn cho con có thêm nhiều kiến thức, trải nghiệm về văn hóa Hà Nội, anh Việt Anh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự: "Mỗi dịp cuối tuần mình đều đưa con đến các điểm vui chơi công cộng để con có thêm nhiều trải nghiệm hơn sau hai năm dịch bệnh.
Trước đây, mình đã đến thăm Bát Tràng và thử làm gốm khi còn là sinh viên nên hôm nay mình đưa con đến để giúp con hiểu hơn về công việc của các nghệ nhân gốm, biết được nguồn gốc chiếc bát, lọ hoa mình dùng hằng ngày được làm ra như thế nào".
"Bình thường mọi người thường làm bát, làm cốc, nhưng mình lại làm một tượng độc đáo hơn có hình đầu lâu. Đây thực sự là điểm đến lý tưởng để ghé qua cùng bạn bè vì mình vừa được vui chơi thỏa thích, vừa có quà mang về", Nguyễn Lương Dũng chia sẻ sau lần thứ hai trải nghiệm tự nặn gốm.
Thuê phòng trọ gần Bát Tràng để tiện cho việc đi học, nhưng đây là lần đầu tiên bạn Nguyễn Hà Khoa ghé qua làng gốm và có những trải nghiệm thú vị. "Mình đã dành nửa ngày để trải nghiệm làm gốm, có thể sản phẩm của mình làm ra hôm nay chưa được đẹp nhưng đây sẽ là kỷ niệm của mình cùng những người bạn đại học", Hà Khoa chia sẻ.
Chọn Bát Tràng làm điểm đến để giới thiệu cho những người bạn của mình, Đoàn Hải Minh (19 tuổi) cho biết: "Mình mới bắt đầu với môi trường đại học nên muốn có thêm hoạt động để thắt chặt tình cảm với bạn bè. Mục đích chính của mình khi tham gia hoạt động này là để hiểu hơn về nghề gốm chứ bản thân mình không khéo tay. Nếu muốn có một sản phẩm đẹp, hoàn chỉnh, bạn có thể tìm mua tại Bát Tràng".
Sau khi thử làm gốm, bạn Quách Thị Thủy (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ rất khâm phục các nghệ nhân vì dù đã cố gắng rất nhiều nhưng bạn chỉ cho ra hình tròn hoặc hình vuông.
Ngoài hoạt động "thử làm nghệ nhân" gốm, du khách cũng có thể khám phá lịch sử của làng gốm Bát Tràng qua không gian Bát Tràng xưa và nay, thưởng trà và ngắm hoàng hôn bên bờ sông Bắc Hưng Hải.
Tham gia hoạt động này, chưa chắc bạn đã có sản phẩm mang về, nhưng niềm vui thì bất tận - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Tác phẩm gốm "đầu lâu" của Nguyễn Lương Dũng - Ảnh: HÀ QUÂN
Khi đến trải nghiệm làm gốm tại Bảo tàng nghề gốm Bát Tràng, du khách sẽ được hướng dẫn sử dụng bàn xoay và các kỹ thuật cơ bản để sáng tạo tác phẩm gốm của mình - Ảnh: HÀ QUÂN
Sau khi hoàn thành, các tác phẩm gốm sẽ được sấy khô để du khách có thể mang về dễ dàng hơn - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo Nguyễn Hiền
Tuổi Trẻ
Xem thêm: nhc.69065915172702202-ion-ah-ert-ioig-auc-iv-uht-ni-kcehc-meid-iout-man-005-mog-gnal/nv.zibefac