Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại cuộc làm việc ngày 27-7 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
TP.HCM phục hồi nhanh và toàn diện sau dịch COVID-19
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, báo cáo tại cuộc làm việc với lãnh đạo Chính phủ ngày 27-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, thời gian qua, kinh tế TP phục hồi nhanh, khá đồng bộ và tương đối toàn diện.
Tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) 6 tháng đầu năm ước tăng 3,82%, từ mức giảm sâu ở quý III và quý IV năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến quý I và quý II năm 2022 tăng lần lượt lên 1,88% và 5,73%, trong đó, tốc độ tăng trưởng quý II-2022 tăng hơn 3 lần so với quý I.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 24,9 tỉ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 34,2 tỉ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 2,18 tỉ USD, tăng 60,07% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm đạt 282.000 tỷ đồng, đạt 73,2% dự toán năm và tăng 20% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng tăng 7,7% so với cùng kỳ, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 12,2%.
Ngành du lịch 7 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 40,3%, dịch vụ lữ hành tăng 72,4%.
Rà soát các vùng trồng, chế biến sau thu hoạch sầu riêng để đăng ký mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
Cấp mã số để xuất khẩu sầu riêng Lâm Đồng sang Trung Quốc
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đề nghị tổ chức rà soát các vùng trồng, chế biến sau thu hoạch sầu riêng tại Lâm Đồng để đăng ký mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo thống kê, tỉnh Lâm Đồng hiện có 12 doanh nghiệp, HTX (diện tích trồng 800 ha) và 310 hộ đăng ký hoàn thiện hồ sơ sản xuất sầu riêng theo quy chuẩn. Các đơn vị này được đánh giá đã sẵn sàng cung cấp thông tin khi có yêu cầu kiểm tra của Cục Bảo vệ thực vật, nhằm đăng ký cấp mã số vùng trồng.
Sau khi có mã số, các đơn vị sẽ bổ sung hồ sơ xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn có công ty Long Thủy đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, hiện đang đợi mã số xuất khẩu để tháng 1-2023 có thể chuyển sầu riêng đi.
Gần 300 doanh nghiệp dệt may quốc tế giới thiệu sản phẩm mới ở TP.HCM
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ban tổ chức Triển lãm quốc tế chuyên ngành dệt may SaigonTex & SaigonFabric 2022 cho biết hơn 278 doanh nghiệp đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Trung Quốc, Đức, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ, Việt Nam... tham gia triển lãm.
Các doanh nghiệp nỗ lực cải tiến sản phẩm để xuất khẩu sang các nước - Ảnh: NGỌC HIỂN
Triển lãm giới thiệu các thiết bị và nguyên phụ liệu cho thị trường dệt may tại Việt Nam, kéo dài từ 27 đến 30-7 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (TP.HCM).
Theo ban tổ chức, đây là sự kiện quốc tế về ngành dệt may đầu tiên kể từ năm 2019, triển lãm lần này tập trung giới thiệu các loại máy may công nghiệp chất lượng cao và hệ thống công nghệ tự động hóa, cung cấp giải pháp kỹ thuật số cho ngành may mặc.
Trong khuôn khổ triển lãm, ban tổ chức sẽ có những cuộc hội thảo giới thiệu các xu hướng thời gian và sản phẩm mới.
Tiến trình công nghiệp hóa đến 2030-2045 ở Việt Nam
Sáng 28-7, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy TP.HCM và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Hội nghị dự kiến do Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chủ trì với sự tham dự của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.
Hội thảo nhằm đánh giá tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong thời gian qua, những kết quả nổi bật triển khai thực hiện chủ trương và chính sách công nghiệp hóa đất nước qua các thời kỳ.
Đồng thời, nhận diện bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; làm rõ những xu thế phát triển và vận động của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kỷ nguyên số trên thế giới.
Hội nghị cũng sẽ thảo luận, đưa ra các kiến nghị về cơ chế, chính sách mới để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên mới.
Cứ 1.000 người Hà Nội có 60 người có xe hơi
Thông tin tại hội thảo do Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tổ chức ngày 27-7 xung quanh các lỗ hổng pháp lý về bảo vệ an toàn cho trẻ em trên ôtô cho biết tốc độ gia tăng sở hữu xe con tại Việt Nam là rất nhanh. Tại Hà Nội, sau 4 năm số lượng xe con của người dân đã tăng hơn gấp đôi, năm 2018 cứ 1.000 người dân có 60 người có xe hơi.
Khảo sát ở nhóm trẻ 9-15 tuổi cho thấy trước COVID-19 có 9% các cháu được đưa rước bằng xe hơi, hiện con số này là 11%. Tuy nhiên Việt Nam chưa có quy định về thiết bị, vị trí an toàn của trẻ em trên ô tô.
Dự thảo luật mới liên quan đến vấn đề này quy định người lái xe và những người được chở trên ô tô phải thắt dây an toàn, trẻ em dưới 12 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe, trẻ dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em.
Theo nghiên cứu được công bố tại hội thảo (thực hiện tháng 1 và 2-2022), tại 14.924 xe cá nhân tại Hà Nội và TP.HCM, có 7,4% xe có chở trẻ em trên xe, trong đó 22,8% trẻ ngồi ghế trước 1 mình (cùng hàng ghế với người lái xe); 19,2% xe có trẻ ngồi chung ghế trước với người lớn, chỉ 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em (2,6% tại Hà Nội, 1,1% tại TP.HCM).
Về tình trạng thắt dây an toàn của người trên xe khi đang tham gia giao thông, có xấp xỉ 70% cho biết là "luôn luôn"; trên dưới 10% cho biết là "thường xuyên", số còn lại từ không dùng đến thỉnh thoảng mới dùng.
TTO - Nhiều giải pháp để hạ nhiệt giá thịt heo; Đề nghị không thí điểm cho sử dụng thuốc lá kiểu mới; TP.HCM áp dụng mức thu phí hạ tầng cảng biển mới từ ngày 1-8... là những tin đáng chú ý sáng nay.