Sinh viên là một trong những nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cho thành phố - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Một trong những điểm nghẽn lớn của TP.HCM là chưa có chính sách đặc thù để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tỉ lệ ngân sách để lại cho TP hiện nay chưa đủ nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu cần được đầu tư, khơi thông nguồn lực".
Đây là điều mà ông VŨ HẢI QUÂN đưa ra khi ông nói đến những cơ chế đặc thù cần được đề xuất bổ sung vào dự thảo thay thế nghị quyết 54 của Quốc hội (về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM).
TP.HCM cần nhân lực để phát triển cho kế hoạch riêng của mình nhưng lại không có được quyền để đặt hàng đào tạo. Cuối cùng, trung ương cấp thế nào thì các trường ĐH đào tạo thế đấy, theo định mức. Không chỉ có ĐH Quốc gia, trên địa bàn TP còn có nhiều trường ĐH khác, nhưng thử hỏi các trường này phục vụ gì cho chiến lược phát triển của TP?
PGS.TS VŨ HẢI QUÂN
Cần nhân lực nhưng thiếu cơ chế đặt hàng
* Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn vướng mắc khiến TP.HCM không chủ động được trong việc phát triển nguồn nhân lực?
- Có khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu thực tiễn của TP và việc quy hoạch đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực của các trường ĐH hiện nay. Ví dụ TP.HCM hiện cần khoảng 10.000 nhân sự để phát triển ngành công nghệ cao trong tương lai, nếu đặt hàng đào tạo chỉ đặt được các trường ĐH trực thuộc và nhận ngân sách từ TP. Trong khi có những ngành, nghề không phải là thế mạnh đào tạo của các trường ĐH trực thuộc TP. Hiện nay, không có cơ chế cho phép TP được lấy ngân sách TP để đặt hàng đào tạo với ĐH Quốc gia TP.HCM hay một số trường ĐH khác không thuộc TP.
* Vậy còn mảng thu hút chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao gặp phải rào cản nào dù đã được cho cơ chế?
- Cơ chế chính sách thu hút nhân tài của TP chưa được như mong muốn, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ. Trong 5 năm thí điểm, TP thu hút 19 nhà khoa học về làm việc nhưng sau đó 14 người rời đi, ba năm qua các đơn vị không tuyển được chuyên gia nào. Trong lĩnh vực y tế, gần đây có hiện tượng một số chuyên gia y tế giỏi chuyển sang khu vực tư, và điều này có thể làm giảm cơ hội tiếp cận với y tế của một bộ phận gia đình có thu nhập thấp, nhất là đối với lao động nhập cư.
Một vấn đề nữa là các quy định hiện tại với mức lương cho chuyên gia không thật sự hấp dẫn. Ví dụ các chuyên gia giỏi ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học giúp TP thực hiện các công trình, nghiên cứu phản biện chính sách, họ sẽ đòi hỏi phải có môi trường làm việc gắn với trường ĐH để vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, tư vấn. Nếu như TP lập các viện nghiên cứu để đưa họ về làm cũng sẽ rất khó do cơ chế không trả lương cao được cho đội ngũ này. Bản thân một viện nghiên cứu không gắn với một môi trường giáo dục ĐH cũng rất khó phát triển.
* Theo ông, đâu là lối ra cho những vướng mắc và bất cập nói trên?
- Bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TP.HCM phải đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đặt ra mới tạo động lực cho TP phát triển xứng tầm đầu tàu, có sức thu hút, sức lan tỏa lớn và đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Đông Nam Bộ và cả nước. Bởi vậy, TP cần được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức bộ máy bao gồm việc thí điểm thành lập các đơn vị mới theo yêu cầu thực tiễn, thí điểm xây dựng đề án vị trí việc làm, tuyển dụng, đánh giá, bổ nhiệm viên chức, công chức và cán bộ quản lý… Việc thực thi quyền tự chủ này sẽ giúp TP tuyển đúng, tuyển đủ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức để thực thi công vụ. Chính sách đánh giá, bổ nhiệm cán bộ sẽ góp phần kiến tạo động lực cho đội ngũ cán bộ của TP.
Điều quan trọng là TP cần xây dựng đề án thuyết minh đảm bảo tính khoa học và thực tiễn để đề xuất trung ương tăng tỉ lệ ngân sách để lại cho TP lên hơn 21% để đầu tư phát triển một số lĩnh vực trọng yếu, trong đó có nguồn lực về con người và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP đoạt giải thưởng Công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo - Ảnh: TỰ TRUNG
Ngân sách để lại chưa đáp ứng nguồn lực phát triển
* Nghị quyết của Quốc hội đã tăng tỉ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM năm 2022 từ 18% lên 21%, nay ông lại nhắc đến việc tăng thêm, có nghĩa là nguồn lực vẫn chưa đủ?
- Cần nhìn nhận thực tế con số 21% chưa đáp ứng được thực tiễn yêu cầu về nguồn lực để phát triển TP. Nguồn lực ở đây gồm hạ tầng, an sinh xã hội cho người lao động và tạo động lực để phát triển mới, là khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nếu bây giờ không suy nghĩ về một động lực phát triển mới, cuối cùng TP sẽ lại loay hoay với những mô hình phát triển cũ, khó tăng năng suất lao động, giá trị gia tăng thấp và thiếu tính bền vững. Do vậy, TP cần tiếp tục kiến nghị Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2022 - 2025 là 23%, 2026 - 2030 là 26%.
* Theo ông thì thuyết minh thế nào đủ thuyết phục cho đề xuất tăng tỉ lệ ngân sách để lại lần lượt lên 23% rồi 26%?
- Có thể thấy TP cần đầu tư vào hạ tầng, chuyển đổi số, các trung tâm dữ liệu hạ tầng về tiếp quản nhân lực công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo... Thuyết minh phải làm rõ được tỉ lệ phần trăm được giữ lại để đầu tư phát triển một số lĩnh vực trọng yếu, trong đó có nguồn lực con người và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Cần tính toán khoảng thời gian từ giờ đến năm 2025 và từ 2025 - 2030 TP cần bao nhiêu nguồn vốn, trong đó làm rõ nguồn vốn cần để đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng hệ thống hạ tầng bao gồm cả đường, cảng, sân bay có tính đến yếu tố kết nối vùng, hay việc xây dựng hạ tầng số và hạ tầng khoa học - công nghệ để thực hiện chuyển đổi số, phát triển khoa học - công nghệ, xây dựng khu đô thị thông minh, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính, khu công nghệ cao mới…
Ở lĩnh vực cải cách thể chế và các chính sách xã hội, TP cần tính toán rõ nguồn lực cần để đầu tư xây dựng TP thông minh, xây dựng thêm hệ thống trường học, bệnh viện, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và lao động nhập cư. Việc đầu tư cho đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế dịch vụ, logictics… và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, củng cố đội ngũ y bác sĩ… cũng cần một nguồn lực lớn, cần được tính toán làm rõ.
Đồ họa: TUẤN ANH
* Vấn đề ông nhắc đi nhắc lại và đặc biệt quan tâm là đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Việc này quan trọng như thế nào, thưa ông?
- Trung Quốc hiện nay đang dành khoảng 2,2 đến 2,4% GDP cho đầu tư nghiên cứu phát triển. TP Thượng Hải cũng đang đầu tư 4,1% ngân sách cho nghiên cứu khoa học phát triển, bởi họ có tầm nhìn trở thành TP sáng tạo, trung tâm tài chính của thế giới.
Hiện nay, nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM xác định từ nay đến năm 2025 doanh thu về kinh tế số là 25%. Vậy tại sao lại không có một chiến lược phát triển để đạt được con số 25% đó? Và trong giải pháp tổng thể cần phân tích, tính toán xem để đạt doanh thu 25% thì cần phân bổ đầu tư bao nhiêu vào con người, bao nhiêu vào công nghệ và hạ tầng.
TP chắc chắn phải tiếp tục đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực, là giải pháp đột phá chiến lược quan trọng nhất để TP phát triển nhanh, bền vững. Để làm được chuyện đó thì phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Ví dụ trung ương cấp 20% ngân sách, TP cũng phải cung cấp 20% ngân sách để đầu tư vào các trường ĐH phục vụ sự phát triển như mô hình TP Thượng Hải đang làm.
Chuyên viên bộ phận tiếp nhận và trả kết quả văn phòng UBND quận Bình Thạnh ứng dụng chuyển đổi số - Ảnh: HỮU HẠNH
* PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh:
Tự chủ nhưng chưa đầy đủ
Hiện TP chưa được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức bộ máy, trong quy hoạch, vận hành, khai thác hoặc bán các tài sản công. Tiêu biểu như việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước do trung ương quản lý vẫn phải xin ý kiến trung ương, hay vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn từ doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Ở một số lĩnh vực khác, mặc dù TP được giao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng lại không triển khai được. Như chính sách thu thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt... cần phải được tiến hành đồng bộ với các địa phương lân cận, nếu không thì doanh nghiệp sẽ dịch chuyển qua các địa phương này.
Qua đó, cho thấy TP cần được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quy hoạch, vận hành, khai thác, bán các tài sản công (thuộc trung ương) trên địa bàn và trích nộp ngân sách về trung ương theo tỉ lệ quy định, bổ sung kịp thời cho ngân sách TP. Các bộ, ngành sẽ đóng vai trò kiểm tra, giám sát quá trình thực thi.
Ngoài ra, chúng ta đủ cơ sở khoa học để chứng minh rằng tỉ lệ điều tiết ngân sách 21% trong 10 năm cho TP là không hợp lý với tốc độ kinh tế và sức lan tỏa của một đầu tàu cả nước. Vì vậy, TP có thể đề nghị tăng lên hoặc đề nghị thực hiện trong 5 năm, thay vì 10 năm, tránh trường hợp tương lai có xin điều chỉnh cũng không được.
Cùng với đó, TP cũng nên kiến nghị được thí điểm thu thuế tài sản bổ sung ngân sách; được sử dụng tiền cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước và thu tiền thoái vốn từ doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa do TP quản lý. Để làm được điều này, ngoài sự quyết liệt của TP, rất cần sự ủng hộ và phối hợp kịp thời, chặt chẽ của các bộ, ngành.
Trong dự thảo cho nghị quyết mới thay nghị quyết 54, chúng ta đã có nội dung cơ chế đặc thù với các vấn đề chung như đầu tư ngân sách, điều tiết ngân sách... Tuy vậy, TP cũng nên cân nhắc bổ sung vào một số nội dung khác. Thứ nhất là cơ chế đặc thù cho phát triển khoa học - công nghệ. Thứ hai là việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP.HCM để giúp ích rất nhiều trong việc thu hút các nguồn đầu tư bên ngoài, tăng ngân sách và là nguồn để phát triển mạnh mẽ kinh tế TP.
Đặc biệt, cơ chế thử nghiệm cho TP.HCM phải tính luôn chuyện không chỉ giải quyết vấn đề cho TP mà nếu ổn thì sẽ lấy cơ chế đó cho nhiều tỉnh thành tương tự. Như vậy, đặc thù cho TP.HCM sẽ là đặc thù mang tính thí điểm và lan rộng trên cả nước.
* TS Phạm Thị Thanh Xuân:
Mời nhân tài, quay lại vạch xuất phát
Chủ trương "trải thảm đỏ mời nhân tài" thể hiện sự cầu thị rất lớn từ phía lãnh đạo TP trong việc tạo hệ sinh thái nghiên cứu phục vụ chính sách. Tuy nhiên, sau nhiều năm việc triển khai vẫn gặp lúng túng và hiện đang quay trở lại vạch xuất phát.
Có nhiều nguyên nhân, đơn cử như sự chênh lệch thù lao giữa khu vực công so với khu vực FDI. Tỉ lệ người giỏi quy tụ trong khu vực FDI cao hơn rất nhiều. Nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là thiếu hệ sinh thái phù hợp để bồi dưỡng và phát huy chuyên môn. Hệ sinh thái như thế này vẫn là điểm khuyết trong hệ thống các đơn vị quản lý nhà nước.
Để giải bài toán này, về ngắn hạn nên tập trung vào tăng cường hợp tác giữa TP và các trường ĐH, các đơn vị nghiên cứu. Ngoài ra, phát huy hơn nữa vai trò của Viện Nghiên cứu phát triển của TP, ở chức năng đầu mối kết nối các nhà nghiên cứu độc lập mang tri thức, mang tư duy vào xây dựng TP.
CẨM NƯƠNG ghi
Ban hành ngay các nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho TP.HCM
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra ga Bến Thành của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, quận 1, TP.HCM sáng 27-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 27-7, trong chuyến công tác tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2022, kết quả thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ và một số kiến nghị, đề xuất.
Tại cuộc làm việc, UBND TP đã kiến nghị, đề xuất một số nội dung liên quan tới tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất theo quy định; công tác quản lý nhà, đất, quỹ đất thanh toán cho các hợp đồng BT; bố trí vốn cho 3 dự án bệnh viện cửa ngõ; triển khai dự án đường vành đai 3, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương; tiêu chuẩn, định mức sử dụng ôtô phục vụ công tác chung; quy định về quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Cơ bản tán thành và cho ý kiến trực tiếp, cụ thể đối với từng kiến nghị của TP, Thủ tướng cho rằng với những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, TP phối hợp với các bộ, ngành xử lý, đối với những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Giải quyết những kiến nghị của TP, Thủ tướng cho biết:
- Liên quan tới đường vành đai 3, trong những ngày tới Chính phủ sẽ ban hành ngay 2 nghị quyết để triển khai dự án; đồng thời giao Bộ GTVT chủ trì, nghiên cứu các thủ tục để triển khai dự án đường vành đai 4 trên tinh thần phân cấp, qua địa phương nào thì địa phương đó phải làm. Cũng trong tuần này, Chính phủ ban hành ngay nghị quyết về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để xây dựng nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các tuyến đường giao thông kết nối.
- Giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND TP và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét đề nghị về việc tiến hành thủ tục và phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện các dự án metro theo quy định; phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xác định phần vốn còn lại được phép bổ sung vào kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và báo cáo cấp có thẩm quyền phân bổ dự toán hằng năm cho dự án tuyến metro số 1. Thủ tướng cũng giao các cơ quan nghiên cứu ngay việc triển khai dự án tuyến metro số 2 với đối tác Nhật Bản, có thể với các đơn vị đang thực hiện tuyến metro số 1 để công việc được triển khai nhanh nhất.
- Giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế xem xét kiến nghị của UBND TP về việc bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, có thể điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ khác để bố trí vốn cho 3 dự án bệnh viện cửa ngõ TP.
- Bộ Nội vụ cần nghiên cứu tổ chức, bộ máy, biên chế cho TP theo hướng đặc thù vì quy mô dân số của TP khác các tỉnh thành khác nên cơ chế không thể như nhau. Trên thực tế, dân số một phường ở đây có thể bằng cả huyện của tỉnh khác.
Đảm bảo sức khỏe nhân dân
Thủ tướng yêu cầu TP tuyệt đối không được có tâm lý chủ quan, lơ là; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và dịch đậu mùa khỉ; quyết liệt triển khai các giải pháp mua sắm, đấu thầu để bảo đảm thuốc và trang thiết bị y tế, bảo đảm nhân lực y tế phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Lập tổ công tác để xử lý hiệu quả các vấn đề
Thủ tướng cho biết sẽ lập một tổ công tác do bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm tổ trưởng với sự tham gia của lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành; chủ tịch UBND TP.HCM là đầu mối trao đổi để giải quyết, xử lý các vấn đề của TP một cách kịp thời, hiệu quả, tránh tình trạng "thủ tục, văn bản lên xuống, lòng vòng" mà không giải quyết được công việc. Mô hình này trước hết sẽ được thí điểm với TP, nếu hiệu quả sẽ mở rộng áp dụng.
TIẾN LONG - THẢO LÊ
TTO - Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, bí thư, chủ tịch TP.HCM cùng cho rằng vướng mắc trong thể chế và thủ tục hành chính đang cản trở năng lực hấp thu nguồn lực xã hội của TP.HCM. Sức phục hồi của TP lớn, cần có cơ chế thông thoáng.
Xem thêm: mth.81811059082702202-cul-nahn-av-nov-taht-tun-og-mchpt-ohc-uht-cad-hcas-hnihc/nv.ertiout