Sau khi nhận hộ chiếu mẫu mới, tôi và vài người bạn có quan điểm trái chiều. Tôi cho rằng không cần thiết bởi nơi sinh đã có trong dữ liệu của mã số định danh cá nhân, ghi thêm vào không giải quyết được vấn đề gì. Còn bạn nói nơi sinh cũng quan trọng.
Vậy xin hỏi, theo quy định pháp luật hiện hành, trên hộ chiếu có phải ghi thông tin về nơi sinh?
Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp Trị, cho hay theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam. Hộ chiếu dùng để xuất, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.
Khoản 3, điều 6 Luật này quy định, trên hộ chiếu gồm các thông tin như: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, công vụ.
Theo luật sư, với quy định nêu trên, hộ chiếu không cần ghi nơi sinh, quê quán. Hộ chiếu chỉ bị thu hồi hoặc huỷ giá trị sử dụng khi bị mất; người được cấp hộ chiếu bị thôi hoặc bị tước quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam...
Trước việc hộ chiếu phổ thông mẫu mới của Việt Nam tạm thời chưa được công nhận ở Đức và không thể cấp thị thực do thiếu thông tin về nơi sinh, ông Lực đặt ra giả thuyết, có thể trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm trên, cơ quan soạn thảo đã không thực hiện đúng quy định lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại khoản 3, điều 6 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Hộ chiếu mẫu mới được Bộ Công an cấp từ ngày 1/7, màu sắc trang bìa đổi thành xanh tím than, thông tin về nơi sinh được xác định thông qua mã số định danh cá nhân.
Xem thêm: lmth.7213944-ueihc-oh-nert-hnis-ion-ihg-coub-tab-oc/ten.sserpxenv