Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động kinh doanh thực phẩm đường phố, nhất là những cơ sở, mặt hàng có nguy cơ sử dụng nguyên liệu quá hạn, nguyên liệu bẩn - Ảnh: VGP
Xác định rõ việc xử lý vi phạm an toàn thực phẩm
Trong khi các vụ ngộ độc thực phẩm, vi phạm về an toàn thực phẩm có nguy cơ tăng lại, phải "xốc lại" công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như chương trình phối hợp giữa các bộ, ngành và đoàn thể sau thời gian chững lại do dịch bệnh; đồng thời siết lại hệ thống thông tin để người dân nhận diện địa chỉ an toàn thực phẩm.
Đây là yêu cầu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong phiên họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, chiều 28-7, tại Trụ sở Chính phủ.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, 6 tháng qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục đạt kết quả tích cực. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng và phát triển 1.668 mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm; 463.000ha cây trồng và gần 17.000ha thủy sản được chứng nhận VietGAP; gần 7,5 triệu lượt hộ kinh doanh, hội viên nông dân ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tính đến ngày 15-6, ngành Y tế đã kiểm tra trên 290.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 30.000 cơ sở vi phạm, xử lý 6.181 cơ sở với tổng số tiền phạt 52 tỉ đồng.
Nông nghiệp xử lý vi phạm 1.184/26.672 cơ sở thanh tra, kiểm tra với số tiền 13,25 tỉ đồng. Công Thương xử lý 1.472/2.493 vụ việc với số tiền 5,9 tỉ đồng, trị giá hàng vi phạm 10,5 tỉ đồng. Lực lượng công an phát hiện 4.921 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, khởi tố 7 vụ, còn lại là xử lý hành chính và chuyển cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền với tổng số tiền phạt 18,5 tỉ đồng.
Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm được thực hiện quyết liệt và đồng bộ. Tính đến ngày 26-6, cả nước ghi nhận 16 vụ (giảm 40 vụ so với cùng kỳ năm trước) với 279 người mắc (giảm 1.169 người), 4 người tử vong (giảm 4 người).
Lãnh đạo TP.HCM lấy ý kiến nhà khoa học về cơ chế đặc thù
Sáng 29-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cùng chủ trì hội nghị lấy ý kiến các nhà khoa học góp ý báo cáo tổng kết nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 gắn với nghị quyết 54 của Quốc hội về thí cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM.
Sông Sài Gòn chảy qua TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chia sẻ băn khoăn khi thời gian vừa qua, lúc đầu tiếp cận theo Nghị quyết 54 thì phân cấp cho thành phố nhưng khi làm lại hỏi ý kiến bộ, ngành trung ương. Khi hỏi ý kiến bộ, ngành trung ương thì quay lại các quy định pháp luật.
Do đó, Chủ tịch UBND TP cho rằng phân cấp phải đi kèm với giao điều kiện để thực hiện. Đây cũng là một trong những nội dung cốt lõi trong nội dung nghị quyết thay thế nghị quyết 54 trong thời gian tới.
TP.HCM chấn chỉnh xe buýt độ còi, phóng nhanh, vượt ẩu
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản đề nghị Trung tâm Quản lý giao thông công cộng các Trung tâm đăng kiểm kiểm tra đảm bảo chất lượng hệ thống xe buýt trên địa bàn TP.
Xe buýt ở TP.HCM còn nhiều bất cập khiến người dân chưa mặn mà - Ảnh: C.K.
Việc này xuất phát từ phản ánh của người dân về tình trạng một số xe buýt độ còi hơi, còi có âm lượng lớn. Khi tham gia giao thông trên đường phố tài xế bấm còi inh ỏi, phóng nhanh, vượt ẩu… gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến hình ảnh xe buýt văn minh, lịch sự.
Trước đó, Tuổi Trẻ đã đưa thông tin xe buýt ‘rà khách, cướp làn’: 'hung thần' lại tái hiện phản ánh sự việc xe cộ đông đúc cùng việc chưa có làn riêng khiến xe buýt gặp khó khi đi trên đường, nhất là giờ cao điểm.
Nhưng vịn lấy cớ này, một số tài xế xe buýt đã chạy ẩu, đột ngột chuyển làn và rà đón khách, gây mất an toàn.
Hơn 138.300 người lao động ở TP.HCM đã nhận tiền hỗ trợ thuê nhà
Hiện các quận, huyện và thành phố Thủ Đức (TP.HCM) đã có quyết định chi hỗ trợ cho gần 217.000 người lao động (đạt 19,76% so với dự kiến hỗ trợ) thuộc 6.856 đơn vị doanh nghiệp (đạt 8,8% so với dự kiến hỗ trợ) với tổng số tiền hơn 115 tỉ đồng (đạt 6,4% so với dự kiến hỗ trợ).
Một khu trọ của công nhân ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
18 quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã thực hiện chi (giải ngân) cho hơn 138.300 người lao động (đạt 12,6% so với dự kiến hỗ trợ) thuộc 2.723 đơn vị doanh nghiệp (đạt 3,5% so với dự kiến hỗ trợ) với tổng số tiền đã chi gần 73 tỉ đồng (đạt 4,1% so với dự kiến hỗ trợ). Các quận, huyện chưa thực hiện giải ngân gồm Quận 6, 11, 12, huyện Nhà Bè.
Thông tin trên được Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM cho biết qua thông báo nhanh tính đến chiều 28-7.
Một số hoạt động đáng chú ý trong ngày
- Hội thảo quốc tế về tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng của nhóm dễ bị tổn thương: Chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt
- Kỷ niệm 40 năm thành lập Cục Sở hữu trí tuệ (29/7/1982 - 29/7/2022)
- Trao giải Cuộc thi sáng tác nghệ thuật "Bảo vệ tầng ô-zôn để bảo vệ khí hậu trái đất" và triển lãm trưng bày các tác phẩm đoạt giải
- Từ ngày 29-7 - 29-8: Hội chợ triển lãm "Sản phẩm có trách nhiệm với xã hội và môi trường 2022" trên nền tảng công nghệ thực tế ảo.
TTO - TP.HCM hồi phục nhanh sau dịch, tăng trưởng quý 2 cao; Cứ 1.000 người Hà Nội có ít nhất 60 xe hơi, tốc độ gia tăng ôtô con ở Việt Nam rất nhanh nhưng đang có khoảng trống về an toàn cho trẻ em trên xe... là những tin đáng chú ý sáng nay.