TP.HCM được coi là nơi có nhiều cái nhất: dân số đông nhất, nền kinh tế năng động nhất, đóng góp cho quốc gia nhiều nhất, tiềm năng lớn nhất, nhưng cũng là nơi có những vướng mắc lớn nhất, nhiều nhất liên quan đến thể chế, định chế, chính sách, chủ trương trên hầu hết các lĩnh vực như tài chính, nhân lực, hạ tầng, đầu tư...
Thủ tướng Phạm Minh Chính thường xuyên làm việc với TP.HCM cho nên ông hiểu một điều là "nếu cứ làm theo quy trình như hiện nay thì không ổn".
Đó là một quy trình tập trung hóa cao, rất chặt chẽ, nhiều tầng nấc và phức tạp. Bất cứ vấn đề nào được cho là quá thẩm quyền của tỉnh, thành thì phải báo cáo, giải trình bằng văn bản và con đường đi của văn bản mà theo lời của Thủ tướng thì "rất lòng vòng, có khi 6 tháng, 1 năm chưa đến được Thủ tướng Chính phủ".
Chính cái "lòng vòng này" mà dẫn đến mất cơ hội, chậm tiến độ, phát sinh thêm nhiều hệ quả khôn lường ở nhiều dự án.
Thủ tướng cũng hiểu việc thay thế quy trình, sửa đổi cơ chế không thể làm một sớm một chiều được, nhưng cũng không thể khoanh tay chờ đợi, do vậy mà ông đã có ý định là Chính phủ sẽ có một tổ công tác thường xuyên làm việc với TP.HCM để tháo gỡ nhanh các vướng mắc phát sinh.
Đó là một tín hiệu tốt cho TP.HCM. Nếu bộ phận giúp việc cho Thủ tướng triển khai nhanh ý tưởng này vào thực tế và tổ công tác hoạt động hiệu quả thì đó là một điểm sáng cho việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế vận hành của hệ thống quản lý như hiện nay.
Trong bối cảnh đó, có lẽ tổ công tác này được hiểu là bộ phận giúp việc đặc biệt cho Thủ tướng do bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đứng đầu, nhằm xử lý các vấn đề của riêng TP.HCM.
Nó là đầu mối thu nhận các ý kiến, các kiến nghị, đề xuất từ TP.HCM một cách đầy đủ nhất, chính xác nhất và chuyển chúng đến Thủ tướng một cách nhanh nhất, tường minh nhất.
Tất nhiên tổ công tác này không phải chỉ là người thu nhận và chuyển phát, mà họ giúp Thủ tướng sàng lọc, thẩm tra thông tin, lựa chọn phương án và tìm ra hướng giải quyết hợp lý nhất. Như vậy với Thủ tướng, đây là kênh thông tin khách quan và tin cậy nhất.
Thực tế cho thấy có nhiều kiến nghị hợp lý, đề xuất đúng của TP.HCM nhưng khi đi lòng vòng qua nhiều bộ ngành, cục, vụ thì bị chậm, đợi thu nhận đủ ý kiến phản hồi của các bộ có khi đã mất cả năm trời, chưa kể nhiều thông tin bị "khúc xạ", bị diễn giải khác đi theo cách hiểu của mỗi vị lãnh đạo các đơn vị và không loại trừ là cả lợi ích của bộ ngành đó, cho nên khi đến được Thủ tướng và Quốc hội thì tinh thần của nó đã khác đi nhiều.
Tất nhiên, việc thành lập tổ công tác cũng chỉ là một giải pháp tình thế, về lâu dài cần tính đến một cách thức vận hành khác mang tính căn cơ hơn. Những gì mà chủ tịch UBND TP.HCM trình bày với Thủ tướng không chỉ nhiều mà xem ra còn có những chuyện nhỏ nhặt (nhưng lại ngoài tầm của thành phố).
Nhìn rộng ra, khi Thủ tướng đến tỉnh thành nào thì các vị lãnh đạo cũng kêu rất nhiều chuyện, có những chuyện chỉ liên quan đến một cây cầu, vài hecta đất, một con đường.
Do đó, cần tính đến một "chính phủ kiến tạo, địa phương hành động", tức là Nhà nước, Chính phủ lập hành lang pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật, công cụ kiểm sát, còn lại phân quyền cho các tỉnh thành thực hiện trên địa bàn của mình.
Đó là quản trị hiện đại mà các nước phát triển đang áp dụng. Bởi lẽ Thủ tướng không thể và cũng không đủ sức đi giải quyết từng sự vụ cụ thể.
TTO - PGS.TS Vũ Hải Quân - ủy viên Trung ương Đảng, giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đại biểu Quốc hội - trao đổi với Tuổi Trẻ về những cơ chế đặc thù cho TP.HCM cần được đề xuất bổ sung vào dự thảo nghị quyết 54 của Quốc hội.
Xem thêm: mth.23330428092702202-mchpt-ohc-tot-ueih-nit-tom/nv.ertiout