Một tòa án ở Ai Cập đã gửi một bức thư lên Quốc hội để kêu gọi truyền hình trực tiếp vụ treo cổ một thanh niên phạm tội giết người để răn đe và ngăn chặn những người có âm mưu giết người khác, đài RT đưa tin hôm 28-7.
Trong một phiên tòa kéo dài hai ngày vào đầu tháng này, Mohamed Adel (21 tuổi) đã bị kết án tử hình vì giết hại nữ sinh viên tên Nayera Ashraf ở bên ngoài trường Đại học Mansoura ở miền bắc Ai Cập vào cuối tháng 6.
Có thông tin cho rằng Adel đã theo dõi cô gái một thời gian, và khi cô từ chối kết hôn với phạm nhân, anh ta đã nghĩ ra một âm mưu khủng khiếp để giết cô.
Theo đoạn video ghi lại vụ việc, được lan truyền trên mạng xã hội và gây ra sự phẫn nộ trên toàn quốc, Adel đã liên tục đâm Ashraf khi cô xuống trạm xe buýt gần trường đại học, nhảy lên người cô và cắt cổ cô trước sự chứng kiến đầy kinh hoàng của một số người đứng gần đó.
Adel đã nhận tội giết người và bị kết án tử hình vào ngày 6-7. Tuy nhiên, do tính chất kinh khủng của vụ án, tòa án muốn răn đe người dân nên đã gửi thư yêu cầu chính phủ cho phép phát sóng truyền hình trực tiếp vụ hành quyết Adel.
Một tòa án Ai Cập đã gửi thư lên Quốc hội đề nghị được truyền hình trực tiếp vụ hành quyết một phạm nhân phạm tội giết người để răn đe người dân. Ảnh: RT |
Theo RT, tòa án hình sự TP Mansoura đã thảo một lá thư cho Quốc hội Ai Cập giải thích rằng việc công khai bản án không đủ để ngăn chặn những tội ác tương tự xảy ra trong tương lai.
“Việc phát sóng, ngay cả khi chỉ là một phần của vụ hành quyết, có thể đạt được mục tiêu răn đe, điều mà việc công khai bản án không đạt được” - bức thư viết.
Luật sư của Adel, ông Farid El-Deeb (người từng là luật sư bào chữa cho cố Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak) khẳng định thân chủ của mình không đáng bị kết án tử hình và tuyên bố sẽ kháng cáo bản án.
Lần cuối cùng một hình phạt tử hình được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia Ai Cập là vào năm 1998, khi nhà nước xử tử ba người đàn ông giết một phụ nữ và hai con của cô trong nhà của họ ở Cairo.
Quỹ Phát triển và Bình đẳng Edraak của Ai Cập cho biết họ đã ghi nhận 335 vụ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Ai Cập chỉ tính riêng từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay.
Quốc gia này cũng chứng kiến “sự gia tăng đáng kể” về bạo lực trên cơ sở giới, với 813 trường hợp được báo cáo vào năm 2021 so với 415 trường hợp vào năm 2020.
Trước đó, theo cuộc khảo sát của Liên Hợp Quốc vào năm 2015, có gần tám triệu phụ nữ Ai Cập tuyên bố đã từng bị chồng, người thân hay thậm chí người lạ trên phố có hành vi bạo lực.
Ở Mỹ, nuôi Pit Bull, ngao Ý... mà để cắn người thì đi tù bao nhiêu năm?
(PLO)- Nhiều bang ở Mỹ cấm nuôi một số loại chó cụ thể và chế tài nặng khi chủ nuôi để chó cắn người, thậm chí phải ngồi tù cả 5 năm nếu nạn nhân bị con chó mình nuôi cắn chết.