Lãi suất mà tăng là thị trường chứng khoán gay go
TS. Lê Xuân Nghĩa
Lạm phát hiện đang được coi là nỗi lo lớn với các nhà quản lý kinh tế trên thế giới. Nhiều ngân hàng trung ương đã phải tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Vậy tại Việt Nam, chính sách tiền tệ nên được điều hành thế nào cho phù hợp?
Chia sẻ về vấn đề này trên Thời báo Tài chính Việt Nam TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, lạm phát ở nhiều nước trên thế giới vừa là do cầu kéo, vừa là do chi phí đẩy. Còn ở Việt Nam, lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy.
Do đó, ngân hàng trung ương rất thận trọng trong việc thực thi chính sách tiền tệ với loại lạm phát này. Trong lạm phát do chi phí đẩy, để kéo giảm lạm phát thì các chính sách về thuế quan trọng hơn.
Còn về chính sách tiền tệ, giả định ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, ngay lập tức sẽ làm suy giảm sản xuất, từ đó làm giảm cung hàng hóa, sẽ làm lạm phát tăng lên.
Nếu ngân hàng trung ương nới lỏng tiền tệ thì sẽ kích hoạt lạm phát qua việc làm tăng tỷ giá hối đoái, khiến việc giá hàng hóa nhập khẩu tăng theo tỷ giá. Do đó, chính sách lâu nay của Ngân hàng Nhà nước là rất thận trọng, chỉ linh hoạt trong trường hợp cần thiết.
Với lạm phát do chi phí đẩy, vai trò của ngân hàng là nhỏ. Lạm phát này khiến chính sách lãi suất trở nên bất lực nên việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất như ngân hàng trung ương trên thế giới là điều chưa cần thiết.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, "tạm thời trong quý 3 chúng ta chưa nên đụng đến chính sách tiền tệ. Lãi suất mà tăng là thị trường chứng khoán gay go. Do đó, tôi tán thành việc duy trì tính thận trọng của chính sách tiền tệ".
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa Thời báo Tài chính Việt Nam
Chúng ta có thể kiểm soát lạm phát ở mức Quốc hội đề ra
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến cầu của người tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Bởi lạm phát này là do chi phí đẩy, giá đầu vào tăng mạnh mà giá đầu ra khó tăng theo kịp.
Vì vậy, tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh bị chậm nhiều. Cầu yếu cũng ảnh hưởng đáng kể đến cả khu vực dịch vụ chứ không chỉ sản xuất tại các nhà máy.
Nếu để lạm phát tăng mạnh, doanh nghiệp vừa mới bắt đầu phục hồi sau COVID-19 sẽ lại gặp tiếp khó khăn chồng chất, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp ngành dịch vụ, từ đó ảnh hưởng rất xấu đến cả xã hội.
Tuy nhiên TS. Lê Xuân Nghĩa tin rằng: "Chúng ta có thể kiểm soát lạm phát ở mức Quốc hội đề ra, khoảng trên dưới 4%.
Bên cạnh đó chúng ta có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, mà theo chúng tôi tính toán là một trong 7 nước tăng trưởng cao nhất thế giới trong 6 tháng qua.
Như vậy, các doanh nghiệp sẽ có điều kiện tốt để phục hồi và phát triển trở lại, từ khu vực bất động sản cho đến dịch vụ, sản xuất…
Hiện nay, vẫn còn hàng chục nghìn lao động sau COVID-19 chưa tìm được việc làm, tới đây có thể là điều kiện để huy động lực lượng lao động này".
Thị trường chứng khoán đang có 3 lợi thế lớn
Thị trường chứng khoán đang có 3 lợi thế lớn
Nói về triển vọng thị trường chứng khoán trong thời gian sắp tới, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: Nếu lãi suất không tăng, tỷ giá hối đoái ổn định, đó sẽ là nền tảng tài chính vĩ mô quan trọng cho thị trường chứng khoán. Hiện nay, thị trường chứng khoán đang có 3 lợi thế lớn.
Thứ nhất là vào tháng 8 tới, chu kỳ thanh toán T+2 sẽ được rút ngắn còn T+1,5 ngày, không chỉ giúp cho việc thanh toán nhanh, an toàn hơn mà còn giúp cho thị trường tăng thanh khoản và là thông tin tích cực cho các công ty chứng khoán.
"Chúng tôi tính toán hệ thống mới có thể tạo ra xung lực lớn cho thị trường, có thể làm tăng giá trị giao dịch thêm vài ba nghìn tỷ đồng mỗi phiên.
Sau đó, có thể cuối năm nay hoặc đầu năm sau thị trường Việt Nam sẽ được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi hạng 2.
Chỉ riêng việc nâng hạng này, theo các chuyên gia, có thể giúp tăng giá trị vốn hóa thị trường thêm 14 - 15%", TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.
Lợi thế thứ 3, căn bản nhất là Việt Nam đã hết sức may mắn khi đứng ngoài vòng xoáy lạm phát và suy thoái kinh tế lan tràn trên thế giới vừa qua.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, lạm phát trên thế giới đã đạt đến đỉnh, lạm phát có thể coi là đã ở phía sau, dù chúng ta vẫn phải hết sức thận trọng để không bị kéo trở lại.
Có được may mắn này bởi suốt quá trình chống dịch bệnh, chúng ta không có chủ trương in tiền cho ngân sách vay chi tiêu như các nước.
Nhiều nước đã đưa thêm tiền ra thị trường, thông qua nhiều tên gọi khác nhau như mua tài sản, mở rộng bảng cân đối tài sản… Đó là điều thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
"Có thể nói, dựa vào ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta có thể phục hồi lại các thị trường tài sản hiện đang gặp một số rắc rối như thị trường chứng khoán, trái phiếu, thị trường bất động sản…" TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Với mức lạm phát khoảng 3,8%, biến động tỷ giá khoảng 2,5% thì không có vấn đề gì lớn đáng lo ngại
Bình luận về kịch bản được TS. Cấn Văn Lực đưa ra mới đây thì tỷ giá trong năm 2022 chịu áp lực tăng từ 2,5 - 3%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 3,8 - 4,2%, hoặc có thể cao hơn, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu lạm phát khoảng từ 3,8 - 4,2% thì tỷ giá hối đoái biến động đâu đó trên dưới 2 - 2,5%.
Điều hành tỷ giá phức tạp hơn vì còn phải so sánh trong tương quan với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ, đặc biệt tỷ giá của ta đang neo vào đồng USD.
Trong trường hợp giả sử có biến động lớn về tỷ giá hối đoái thì Ngân hàng Nhà nước có lượng dự trữ ngoại hối để can thiệp làm nó ổn định trở lại như chúng ta đã làm trong hai quý gần đây.
"Vì vậy, tôi hoàn toàn yên tâm, với mức lạm phát khoảng 3,8%, biến động tỷ giá khoảng 2,5% thì không có vấn đề gì lớn đáng lo ngại", TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Kiểm soát dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao
Tại văn bản trả lời đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6 - 6,5% và lạm phát khoảng 4% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên phát triển theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; trong đó có kinh doanh bất động sản, chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ và có những cảnh báo sớm về tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra theo hướng đưa nội dung thanh tra về hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm...
Theo P.V
Báo Chính Phủ