Bà Trương Thị Mai - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tổ chức trung ương, phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trưởng đoàn kiểm tra - phát biểu - Ảnh: T.N.
Tại buổi làm việc, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông báo kết quả kiểm tra công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực (gọi chung là nguồn tin về tội phạm) và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.
Đánh giá kết quả, theo bà Trương Thị Mai, trong 10 năm qua, các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện 71 vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực chuyển cơ quan điều tra để điều tra, xử lý.
Bộ này cũng tiếp nhận, giải quyết 191 nguồn tin về tội phạm, đã khởi tố, kiến nghị khởi tố, chuyển cơ quan điều tra xử lý đối với 164 nguồn tin về tội phạm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Trương Thị Mai cho rằng việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực của Ban cán sự đảng Bộ Tài chính còn có những tồn tại, hạn chế.
Đó là vẫn còn việc chưa kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trong một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Việc phát hiện và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài chính chưa được quan tâm chú trọng; mặc dù đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra nhưng số vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực được phát hiện, chuyển cơ quan điều tra còn ít.
Công tác quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên tại một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, còn để xảy ra việc một số cán bộ, đảng viên vi phạm, bị xử lý kỷ luật Đảng, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Công tác giám định, định giá tài sản phục vụ giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực có mặt chưa đáp ứng yêu cầu.
Ông Nguyễn Thái Học - phó trưởng Ban Nội chính trung ương, phó trưởng đoàn kiểm tra - Ảnh: T.N.
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Trương Thị Mai yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Tài chính cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và giám định, định giá tài sản, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và giám định, định giá tài sản để khắc phục những tồn tại, hạn chế, sai sót trong công tác này.
Rà soát, phát hiện những sơ hở, bất cập, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc tham mưu ban hành, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, nhất là trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực cao, dư luận xã hội quan tâm.
TTO - Tổng cục Thi hành án dân sự cho hay đã giao các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế vận dụng vào thực tiễn của Việt Nam để đưa ra những luận cứ khoa học nhất về việc cho người phạm tội tham nhũng nộp tiền để được giảm án.