Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, trong những năm qua việc xây dựng, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác và kết nối tiêu thụ được ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất bền vững. Liên kết sản xuất thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác là cầu nối quan trọng trong thúc đẩy liên kết sản xuất. Hiện nay, tại các quận, huyện trên địa bàn Cần Thơ đã hình thành 104 hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ với diện tích 3.785 hecta. Hiện nay có 38 hợp tác xã, tổ hợp tác với tổng diện tích 2.681 hecta có nhu cầu liên kết tiêu thụ tại quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai.
Đối với mặt hàng trái cây của Cần Thơ hiện nay đang được thương lái thu mua tại vườn. Ngoài ra, một số tổ chức kinh tế tập thể, hộ nông dân đã bước đầu thực hiện liên kết tiêu thụ, cung cấp trái cây cho các cơ sở bán lẻ ở trung tâm thành phố hoặc tiêu thụ thông qua hình thức du lịch sinh thái vườn. Hiện nay, có 49 hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ với diện tích 945 hecta có nhu cầu liên kết với các công ty, doanh nghiệp.
Ngành nông nghiệp Cần Thơ đã vận động nông dân thực hiện sản xuất các vùng chuyên canh rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày theo quy trình sản xuất xuất VietGAP nhằm tạo nguồn nguyên liệu bền vững và tạo được thương hiệu riêng để dễ dàng tiếp cận với thị trường tiêu thụ. Từ việc sản xuất vùng chuyên canh đã giúp cho nông dân dễ dàng tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới nhằm giúp giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho biết, qua diễn đàn để địa phương xúc tiến, tổ chức liên kết, chuyển dịch cơ cấu sản xuất để nâng cao giá trị; tích hợp đa giá trị sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cùng nhau kết nối, tiêu thụ nông sản chủ lực của Cần Thơ để đem lại giá trị kinh tế, ổn định đời sống, thu nhập của người dân:
Ông Trần Thái Nghiêm nói: “Bà con nông dân trên địa bàn hiện nay rất cần sự liên kết với các doanh nghiệp, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Thông qua diễn đàn, các bên sẽ tiếp cận thông tin, nhu cầu của nhau để cùng nhau kết nối trên quan điểm cùng hài hòa lợi ích, cùng chia sẻ rủi ro để tất cả cùng có lợi”.
Ông Lê Thanh Tùng, Chánh văn phòng điều phối nông thôn vùng ĐBSCL cho rằng, doanh nghiệp liên kết với các địa phương để liên kết tổ chức, tiêu thụ nông sản đây là bước tiến trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trước đây, các nơi làm theo hình thức khác nhau, và khi có sự cố về ách tắc về nông sản thì hầu như trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản bị ngưng trệ, đây là khiếm khuyết chung nông nghiệp cả nước.
Theo ông Lê Thanh Tùng, sản lượng lương thực ở ĐBSCL hàng năm khoảng 24 triệu tấn lúa, 10 triệu tấn cây ăn trái, 10 triệu tấn rau, cá tra và tôm gần 2 triệu tấn. Trong diễn đàn thúc đẩy kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản mong muốn các doanh nghiệp về trang thiết bị, các doanh nghiệp thu mua, cùng hợp tác xã, người sản xuất và tiêu thụ nông sản gặp nhau ở một ý tưởng để tổ chức tốt sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Ông Lê Thanh Tùng cho biết: “Con đường tiêu thụ nông sản là con đường phải vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt theo những chuẩn của những quốc gia thu mua, nó có thể có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau và muốn bán được thì chúng ta phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đó, không có con đường nào khác ngoài chúng ta phải đáp ứng tiêu chuẩn của người thu mua. Tất cả các mặt hàng nào trên thế giới cũng vậy, không chỉ riêng nông sản”.
Thông qua diễn đàn các doanh nghiệp, người dân thấy rõ lợi ích to lớn của liên kết, tiêu thụ sản nông sản. Doanh nghiệp có vùng nguyên liệu đảm bảo xuất khẩu, người dân thực hiện theo quy trình và doanh nghiệp đứng ra bao tiêu, đảm bảo giá thành, cùng nhau có lợi và hơn cả là hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững./.
Xem thêm: vov.439959tsop-oht-nac-auc-cul-uhc-nas-gnon-uht-ueit-tek-neil/et-hnik/nv.vov