Tại Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài do Bộ Công Thương tổ chức ngày 29/7, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giầy và Túi xách Việt Nam cho biết, kết quả kinh doanh của ngành da giày trong 6 tháng đầu năm được đánh giá là khá tốt, khi kim ngạch xuất khẩu đạt gần 14 tỷ USD, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ.
“Tuy trong 6 tháng qua đơn hàng đối với ngành da giày khá ổn định, song cũng gặp phải khó khăn rất lớn đó là nguồn cung nguyên phụ liệu bị hạn chế và gián đoạn, bởi nguồn nguyên phụ liệu chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác. Thiếu nguồn lao động cũng làm hạn chế kết quả sản xuất kinh doanh của ngành da giày trong 6 tháng qua”, bà Xuân cho hay.
Với mục tiêu kế hoạch xuất khẩu năm 2022 đạt từ 23 - 25 tỷ USD, nhưng từ nay đến cuối năm ngành da giày nhận định tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Theo bà Xuân, hiện nay tổng lượng tồn kho đối với mặt thời trang nói chung và mặt hàng giày dép nói riêng còn rất lớn. Nhận định chung cũng như khảo sát từ các doanh nghiệp và các nhãn hàng, từ nay cho đến quý I/2023, nhiều khả năng các đơn hàng sẽ có phần chững lại.
Song song với đó, các mặt hàng da giày xuất khẩu của Việt Nam hiện có mức giá trung bình vào khoảng 16 USD, được đánh giá trung bình về chất lượng cũng như giá cả trên thị trường thế giới. Bà Xuân đề xuất, muốn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trong thời gian tới, ngành da giày xác định cần phải nâng cao năng lực sản xuất, nâng chất lượng để các mặt hàng xuất khẩu để đạt giá trị cao hơn. Muốn sản xuất và xuất khẩu được những mặt hàng có giá trị cao hơn, ngành da giày cần nguồn nhập khẩu nguyên liệu có giá trị cao.
“Với việc tận dụng tốt thế mạnh từ các Hiệp định FTA trong xuất khẩu, ngành da giày cũng mong muốn được tạo điều kiện để tận dụng các cơ hội trong nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các quốc gia tham gia Hiệp định, đặc biệt như thị trường EU có những nguồn nguyên phụ liệu có giá trị cao để sản xuất các mặt hàng giày dép ở mức độ cao hơn cũng như có thể nhập khẩu được những công nghệ thiết bị mới. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện hiện nay, khi các quốc gia đều phải hướng tới sản xuất bền vững và sử dụng những công nghệ xanh, sạch nên rất cần phải khai thác tiềm năng của các thị trường mới, phục vụ cho đổi mới công nghệ cho các nhà máy sản xuất”, bà Xuân đề xuất.
Với những thực tế và những khó khăn thách thức đặt ra, bà Xuân kiến nghị với hệ thống thương vụ nước ngoài tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành da giày về thông tin thị trường, bởi các thương vụ là kênh tiếp cận thông tin thị trường rất hiệu quả nhanh chóng và cụ thể.
“Sắp tới phía Đức sẽ ra Đạo luật về thẩm định nghĩa vụ doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2023. Với đạo luật này sẽ tác động rất lớn đến chuỗi sản xuất của ngành da giày khi xuất khẩu vào thị trường EU. Bên cạnh đó, EU cũng sắp ra Đạo luật áp dụng đánh thuế carbon đối với các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường EU. Song đến nay, Hiệp hội da giày chưa biết cụ thể kế hoạch triển khai như thế nào và các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng những thủ tục gì nên rất mong muốn được cập nhật thông tin để chuẩn bị cho kế hoạch trong kỳ tới sản xuất sắp tới”, bà Xuân đề đạt.
Nhận thấy trong hoạt động sản xuất và thương mại, việc kết nối thông tin là vô cùng quan trọng, đại diện Hiệp hội da giày mong muốn tiếp nhận những thông tin từ nhiều thị trường để các doanh nghiệp có thể nắm bắt và triển khai được một cách nhanh chóng, tránh trường hợp doanh nghiệp thất bại trong hoạt động xuất khẩu.
Bà Xuân cho biết, Hiệp hội da giày cam kết sẽ gửi các báo cáo cập nhật hàng tháng của ngành đến các hệ thống thương vụ ở nước ngoài để nhận được sự hỗ trợ trong thời gian tới. Cùng với đó, Hiệp hội cũng mong muốn các thương vụ sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động quảng bá đối với ngành da giày. Bởi các đơn hàng của ngành da giày hiện nay đang phải chịu cạnh tranh gay gắt với nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới./.