Nôm na có thể hiểu quy mô nền kinh tế hay GDP là gồm 3 giỏ hàng gộp lại: Tiêu dùng cuối cùng, tích luỹ tài sản, và cán cân thương mại - tức là kim ngạch xuất khẩu trừ đi nhập khẩu.
Trước tiên là giỏ hàng tiêu dùng, to nhất, vì chiếm tới hơn 70% tổng giá trị GDP. Mỗi quả trứng, cân thịt mua về, đều đang góp phần làm giỏ hàng này phình to hơn. Thực tế, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 có quy mô và tốc độ tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COID19. Việc nhà nhà chịu mạnh tay mở hầu bao trở lại chính là chỉ báo rõ nét nhất cho quỹ đạo phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.
Người tiêu dùng mạnh tay chi nhiều hơn sau dịch bệnh trong khi Việt Nam vẫn duy tri được xuất siêu trong xuất nhập khẩu hàng hoá
Còn giỏ hàng thương mại, WTO dự báo tăng trưởng khối lượng thương mại hàng hoá toàn cầu sẽ thấp hơn năm ngoái. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, tháng 7 Việt Nam vẫn xuất siêu 21 triệu USD. Cũng có băn khoăn là, với độ mở xuất nhập khẩu gấp đôi GDP như Việt Nam, liệu chúng ta có chịu tác động lan toả từ suy thoái kinh tế Mỹ hay không? Tuy nhiên, câu trả lời, theo chuyên gia ngành thống kê, là không đáng lo ngại.
"Những hàng xuất khẩu của chúng ta là những mặt hàng xuất khẩu mang tính tiêu dùng thiết yếu của thế giới, chẳng hạn như da giày, sản phẩm nông nghiệp... Tại các nước bị suy thoái, người dân vẫn phải sử dụng. Thứ hai là giá trị của những hàng hoá đó với chi tiêu của các nước trên thế giới không nhiều. Do đó, ảnh hưởng tới các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là không quá nhiều", ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Với chiếc giỏ cuối cùng là các khoản đầu tư, số liệu tháng 7 tiếp tục cho thấy sự cải thiện mà nổi bật chính là con số đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, khi con số này là mức cao nhất cùng kỳ trong 5 năm qua. Sự cải thiện không chỉ về lượng, mà cả về chất nữa, khi xu hướng dòng vốn FDI chất lượng cao đang ngày càng hình thành rõ nét.
Doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam
Nhà máy lắp ráp thứ 2 của Daikin Việt Nam đang gấp rút hoàn tất xây dựng để kịp đi vào hoạt động trong quý IV năm nay, nhằm tận dụng bối cảnh thị trường Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc trong 2 quý cuối năm.
"Nhà máy đặt tại Việt Nam là những nhà máy hiện đại nhất trong khu vực của chung tôi, đảm bảo những tiêu chuẩn xanh và hàm lượng công nghệ cao", ông Ogami Noriyoshi – Phó tổng giám đốc Daikin Việt Nam cho biết.
Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến của dòng vốn FDI chất lượng cao
Trong khi đó, trung tâm nghiên cứu và phát triển 220 triệu USD của Samsung dự kiến hoàn thiện cuối năm nay; nhà máy trung hoà carbon 1 tỷ USD của LEGO dự kiến khởi công vào tháng 11; hay sự kiện lớn của Eurocham vào cuối năm quy tụ hơn 100 doanh nghiệp châu Âu... là những minh chứng rõ nét khẳng định xu hướng dòng vốn FDI chất lượng cao tại Việt Nam.
"Với chính sách đúng đắn của Việt Nam trong việc chuyển đổi số, sử dụng năng lượng sạch, tôi tin đất nước của các bạn sẽ ngày càng thu hút được nhiều hơn vốn đầu tư từ châu Âu. Năm 2023 thậm chí sẽ còn khả quan hơn cuối năm nay", ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam cho biết.
Theo khảo sát, 76% doanh nghiệp EU đang hoạt động tại Việt Nam sẽ tăng vốn trước khi kết thúc quý III năm nay.
Điểm sản xuất chất lượng cao
Dự kiến trong tháng 8 này, tổ chức Moody's sẽ tiếp tục có thông tin về xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Nếu thuận lợi, năm nay Việt Nam sẽ chứng kiến cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm cải thiện đánh giá xếp hạng đối với Việt Nam. Đây cũng sẽ là một điểm chấm phá của bức tranh kinh tế Việt Nam trong con mắt quốc tế.
"Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu của doanh nghiệp Nhật Bản chỉ xếp sau Mỹ và có thể kỳ vọng dòng vốn đầu tư ổn định từ Nhật Bản trong những năm tới. Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát, điều mà nhiều quốc gia trong khu vực và toàn cầu không làm được. Trong khi đó xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay vẫn cho thấy triển vọng tăng trưởng 15 - 17%", ông Takeo Nakajima, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết.
Việt Nam được coi là điểm sáng trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế toàn cầu
Trong khi đó theo ông Paul Coughlin, Cựu Giám đốc Toàn cầu S&P Global Ratings, nhờ kiểm soát được dịch bệnh và sớm mở cửa nền kinh tế trở lại mà Việt Nam củng cố thêm danh tiếng trên trường quốc tế là một địa điểm tốt để đặt dây chuyền sản xuất, với định hướng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, và trở thành điểm sản xuất chất lượng cao trên thế giới.
Với nội lực đang dần được củng cố, và là số ít nền kinh tế ngược dòng trong bối cảnh chung ảm đạm, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, thậm chí là suy giảm, thì Việt Nam được coi là điểm sáng. Nhưng ngược lại, áp lực dòng chảy ngược trong thời gian tới cũng sẽ không hề nhỏ.
Do đó, việc bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô, tiếp tục kiểm soát lạm phát, và tận dụng được đà bứt phá ngược dòng để tiếp tục ghi điểm trên trường quốc tế, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa sẽ là những nhân tố quyết định sự thành công của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm nay và cả năm sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.43635246003702202-man-teiv-et-hnik-gnov-neirt-av-gnah-oig-3/et-hnik/nv.vtv