Theo số liệu thống kê của Cục Hàng Hải Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt gần 371 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, hàng xuất khẩu ước đạt gần 94 triệu tấn, tăng 2%. Hàng nhập khẩu ước đạt hơn 105 triệu tấn, giảm 8%. Hàng nội địa ước đạt hơn 171 triệu tấn, tăng 9%.
Riêng khối lượng hàng container ước đạt hơn 12,8 triệu TEUs, tăng 1% so với năm 2021. Nhờ vậy, hầu hết các công ty vận tải biển đều ghi nhận mức lãi lớn trong nửa đầu năm nay.
Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) - đơn vị đang nắm gần 30% thị phần vận tải nội địa - công bố doanh thu thuần quý II/2022 đạt 929 tỷ đồng, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ hoạt động khai thác tàu quý này tiếp tục giữ đà tăng gấp 2 lần cùng kỳ 2021 đạt 930 tỷ đồng.
Doanh thu và chi phí từ các hoạt động khác không đáng kể. Kết quả, Hải An lãi sau thuế đạt gần 240 tỷ đồng, tăng 191% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 169 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hải An ghi nhận 1.582 tỷ đồng doanh thu thuần, cao gấp 2 lần cùng kỳ và 587 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp 3,2 lần cùng kỳ.
Năm nay, Hải An kỳ vọng thu về 2.388 tỷ đồng doanh thu, tăng 19% so với năm 2021, lợi nhuận hợp nhất sau thuế 550 tỷ đồng. Như vậy, trong nửa đầu năm, công ty này đã hoàn thành trên 66% kế hoạch về doanh thu và hoàn thành vượt mức kế hoạch về lợi nhuận trước thuế.
Lý giải về sự tăng trưởng, lãnh đạo HAH cho biết, một trong những nguyên nhân là do giá cước vận tải nội địa tăng và giá cho thuê tàu trong kỳ này cũng tăng mạnh. Bên cạnh đó, công ty này cũng bổ sung thêm 2 tàu vào trong đội hình tàu vận tải.
Tương tự, Công ty CP Vận tải biển Vinaship (UpCOM: VNA) cũng ghi nhận doanh thu nửa đầu năm nay hơn 555,5 tỷ đồng, tăng gần 143% và lợi nhuận sau thuế gần 155,6 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình từ phía công ty, mặt bằng cước vận tải biển quốc tế tuy có thời điểm điều chỉnh giảm nhưng về cơ bẩn vẫn ở mức cao đã tạo tiền đề thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Bên cạnh đó, giá dầu thô liên tục lập đỉnh mới do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nga và Ukraine, giá dầu trong nước cũng liên tục tăng, nhiều thời điểm nhiên liệu không có sẵn để giao tuy nhiên công ty đã chủ động ứng phó bằng nhiều biện pháp quản lý khác nhau để kiểm soát chi phí và đảm bảo hoạt động của đội tàu.
Trước đó, VNA cũng đã có một năm 2021 rất thành công với doanh thu thuần đạt 853,3 tỷ đồng, tăng 66,2% và lợi nhuận sau thuế đạt 177,8 tỷ đồng, tăng cao đột biến so với con số vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng của năm 2020. Năm vừa qua cũng là năm mà Vinaship có lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay.
Cũng có doanh thu “khủng” trong nửa đầu năm, Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco – HoSE: VOS) ghi nhận doanh thu thuần tăng 188%, lên 1.092 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế tăng khoảng 1,82 lần lên mức gần 316 tỷ đồng.
Trong đó, chỉ riêng trong quý II, Vosco đã đạt mức 690 tỷ đồng và 260 tỷ đồng về doanh thu và lợi nhuận sau thuế.
Trong năm 2022, Vosco đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt mức 1.570 tỷ đồng, trong đó 1.444 tỷ đồng đến từ hoạt động vận tải. Lãi trước thuế 2022 kỳ vọng ở mức 391 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, công ty hoàn thành 70% kế hoạch về doanh thu và gần 94% kế hoạch về lợi nhuận trước thuế.
Thực tế trong năm 2021 vừa qua, Vosco đã hồi sinh cả về lợi nhuận và giá cổ phiếu nhờ sự khởi sắc của ngành vận tải biển toàn cầu với doanh thu đạt 1.424 tỷ đồng và lợi nhuận ròng gần 490 tỷ đồng.
Tương tự, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, UpCOM: MVN) cũng báo lãi lớn nửa đầu năm so với cùng kỳ 2021, với doanh thu ở mức gần 7.229 tỷ đồng, tăng 120%. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 2.395 tỷ đồng, tăng 120% và hoàn thành trên 95% kế hoạch năm.
Trong sáu tháng đầu năm 2022, sản lượng vận tải biển toàn VIMC đạt 10,9 triệu tấn (đạt 89% cùng kỳ 2021; chiếm 57% kế hoạch 2022); sản lượng hàng thông qua cảng là 64 triệu tấn (đạt 94% cùng kỳ 2021; chiếm 48% so kế hoạch năm nay).
VIMC từng có nhiều năm thua lỗ, thậm chí đứng trên bờ vực phá sản do thị trường hàng hải thế giới suy thoái kéo dài, Tổng Công ty này tiếp nhận nhiều doanh nghiệp vận tải biển thua lỗ từ Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Sau khi tái cơ cấu, 5 năm qua, doanh nghiệp đã bước đầu cân bằng và có lãi, khối cảng biển sau khi cổ phần hóa đã mang lại lợi nhuận đáng kể, bù đắp cho hoạt động vận tải biển.
Thị trường biến động lớn trong những tháng cuối năm
Theo đánh giá Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, thị trường vận tải biển sáu tháng cuối năm sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của cuộc xung đột Nga-Ukraine và giá dầu sẽ diễn biến khó lường, tuy nhiên, giá cước cũng đã có dấu hiệu chững lại và suy giảm nhẹ kể từ sau khi chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định trở lại.
Trong khi đó, các hãng tàu hàng rời trên toàn cầu đều nhận định thị trường tàu hàng khô nửa cuối năm 2022 sẽ chứng kiến sự suy giảm so với đầu năm do các nguyên nhân tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm, nhu cầu hàng hoá thiếu ổn định đến từ Trung Quốc cũng như các chính sách bảo hộ để kiểm soát lạm phát của nhiều quốc gia.
Mặt khác, thị trường container sau sáu tháng đầu năm đã chứng kiến sự suy giảm mạnh và sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm. Lạm phát toàn cầu tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của thị trường châu Mỹ khiến sản lượng hàng hoá xuất khẩu từ châu Á giảm mạnh.
Thị trường tàu dầu được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến tốt trong thời gian tới, nhất là khi cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa cho thấy dấu hiệu của sự kết thúc. Mặc dù các nước châu Âu đã tuyên bố cấm vận dầu đến từ Nga, nhưng điều nay mở ra cơ hội cho các tuyến vận chuyển toàn cầu mới với khoảng cách xa hơn. Dự kiến sản lượng dầu toàn cầu cần vận chuyển trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao với các tuyến vận chuyển dài hơn giúp các chủ tàu duy trì được mức giá cho thuê tốt.