Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - HoSE: MBB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với lợi nhuận tăng tích cực so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng trong quý II, thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của MB tăng 37% so với cùng kỳ, đạt hơn 8.969 tỷ đồng. Lãi thuần từ dịch vụ giảm nhẹ 2%, chỉ còn hơn 1.010 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi hoạt động kinh doanh bảo hiểm lên 3.109 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối thu được khoản lãi gần 472 tỷ đồng, tăng 47%, do tăng thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay và vàng.
Trong quý, MB dành ra gần 1.375 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 43% so với cùng kỳ. Khấu trừ các chi phí, MB báo lãi trước thuế gần 5.987 tỷ đồng, tăng 76%.
Trong các chỉ tiêu tài chính nửa đầu năm, thu lãi từ các hoạt động tín dụng, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh đều tăng trưởng tốt. Cụ thể, thu lãi thuần đạt 17.355 tỷ đồng, tăng 39%, kinh doanh ngoại hối lãi tăng lên gần 940 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 68%, mua bán chứng khoán kinh doanh lãi 134 tỷ đồng, chỉ tiêu này cùng kỳ chỉ đạt 20 tỷ đồng.
Trong khi đó, lãi thuần từ dịch vụ của MB nửa đầu năm không có nhiều biến động so với kỳ trước, duy trì ở mức 2.100 tỷ đồng. Lãi thuần đầu tư chứng khoán tăng nhẹ 7% lên 1.070 tỷ đồng.
Thu từ các khoản nợ xử lý 6 tháng đầu năm cũng chỉ bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ 2021 khiến lãi từ hoạt động khác của nhà băng này giảm hơn 40%, xuống còn 1.100 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, chi phí hoạt động của Ngân hàng Quân đội tăng 27% lên gần 7.460 tỷ còn chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 17% xuống 3.500 tỷ.
Kết quả, sau nửa năm tài chính, MB ghi nhận lãi trước thuế 11.896 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hết tháng 6, MB tăng trưởng tín dụng 14,6%. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng hơn 14% lên hơn 415.450 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng 17%, lên gần 49.720 tỷ đồng.
MB trích lập 3,500 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 17% so với cùng kỳ, Một điểm đáng lưu ý là tỉ lệ nợ xấu tại MB đã tăng từ mức 0,9% hồi đầu năm lên 1,2% vào cuối quý II, chủ yếu do nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh 120% lên 1.827 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 38% lên 1.980 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 15% lên 1.168 tỷ đồng. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu của MB giảm từ mức 268% hồi đầu năm xuống 220%.
Tại thời điểm 30/6, ngân hàng đang nắm giữ 46.333 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 18% so với cuối năm. Đồng thời, MB cũng nắm giữ lượng tương đương lượng trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Mảng trái phiếu (gồm trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu Chính phủ) đã mang về cho ngân hàng hơn 4.330 tỷ đồng lợi nhuận 6 tháng đầu năm.
Tính tới cuối quý II, tổng tài sản của MB ghi nhận tăng 8% so với thời điểm đầu năm, đạt hơn 658.274 tỷ đồng. Trong đó tiền gửi khách hàng đạt 396.909 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 415.456 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng ở mức 3% và tăng 14%.
Cổ phiếu MBB từ đầu năm đã giảm khoảng 20%. Kết phiên giao dịch ngày 29/7, MBB dừng tại mức 22.500 đồng/cổ phiếu.
Năm 2022, MB lên kế hoạch tổng tài sản tăng 15%, vốn điều lệ tăng 24%, dư nợ tín dụng tăng 16% so với thực hiện năm 2021. Ngoài ra, lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với 2021. Trong trường hợp kinh tế vĩ mô diễn biến khó khăn, lợi nhuận trước thuế có thể đạt 19.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với 2021.
Như vậy, mục tiêu lợi nhuận khả quan 20.300 tỷ đồng, MB đã hoàn thành 58,6% kế hoạch đề ra. So với lợi nhuận mục tiêu 19.000 tỷ đồng trong tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn, ngân hàng đã thực hiện 62,6% kế hoạch đặt ra.