vĐồng tin tức tài chính 365

Thách thức cho nền kinh tế những tháng cuối năm ngày càng gia tăng

2022-07-30 15:45

Chiều 30/7, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để thảo luận về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Áp lực lạm phát gia tăng

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, kết quả khích lệ của năm 2021 đã hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi kinh tế những tháng đầu năm 2022.

Cụ thể, tăng trưởng GDP 6 tháng tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản đặt ra và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch. Lạm phát được tiếp tục kiểm soát, chỉ số giá bình quân 7 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 2,54% so với cùng kỳ trong bối cảnh lạm phát ở nhiều quốc gia phát triển tăng cao kỷ lục nhất 40 năm qua; thu ngân sách Nhà nước đạt 77,5% dự toán năm…

Kinh tế vĩ mô - Thách thức cho nền kinh tế những tháng cuối năm ngày càng gia tăng

Thủ tướng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để thảo luận về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng chiều 30/7 (Ảnh: VGP).

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh, áp lực và khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm 2022 ngày càng gia tăng.

Trong đó, áp lực tăng giá ngày càng gia tăng khi lạm phát từ bên ngoài đã bắt đầu ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất trong nước, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đã xuất hiện tình trạng người dân hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ do giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn do áp lực giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao. Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công.

“Có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt hoặc chuyển sang tìm kiếm công việc tại các dự án FDI, gây thiếu nhân công thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia”, Thứ trưởng nêu.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, việc chậm chễ trong giải ngân vốn đầu tư công, một số chính sách, giải pháp chậm triển khai, phần nào làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế.

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/7/2022 đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 đạt 36,71%).

Nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm trễ trong giải ngân, trong đó điểm nghẽn lớn nhất là sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư công và hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng.

Thị trường chứng khoán, BĐS dễ bị tổn thương

Yếu tố tiếp theo Thứ trưởng đưa ra là thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản dễ bị tổn thương, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, có thể ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và kéo theo nhiều hệ lụy nếu có biến động xảy ra như tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán.

Trong khi đó, công tác quản lý thị trường còn nhiều vướng mắc; quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chưa chặt chẽ; công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp của các cơ quan liên quan chưa thực sự hiệu quả.

Cùng với đó, giá bất động sản tăng cao ở hầu hết các địa phương, hình thành mặt bằng giá mới, gia tăng áp lực đối với nhà nước, nhà đầu tư khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tác động đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Kinh tế vĩ mô - Thách thức cho nền kinh tế những tháng cuối năm ngày càng gia tăng (Hình 2).

Thị trường chứng khoán, bất động sản dễ bị tổn thương, tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và kéo theo nhiều hệ luỵ (Ảnh: Phạm Tùng).

Vấn đề nữa là dòng vốn FDI có chất lượng chưa cao, suy giảm từ năm 2020 đến nay, kéo theo nhiều khó khăn, thách thức về phát triển sản xuất trong nước, ổn định vĩ mô.

Tổng vốn FDI đăng ký năm 2020, 2021 chưa lấy lại được quy mô của năm trước dịch 2019. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022 chỉ bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó FDI đăng ký cấp mới chỉ bằng 56,5% so với cùng kỳ.

Chất lượng FDI chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước.

“Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, khả năng đổi mới công nghệ của khu vực trong nước, cũng như có thể tác động đến cán cân thanh toán, khả năng dự trữ ngoại hối, tỉ giá … trong trung và dài hạn”, ông nêu.

Cũng theo Thứ trưởng, nền kinh tế còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu dài hạn. Việt Nam đang ở nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, thách thức lớn đặt ra là phải duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, sớm vượt qua nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình…

Phối hợp hiệu quả chính sách tài khoá và tiền tệ

Quan điểm và nhiệm vụ trong thời gian tới trong điều hành kinh tế vĩ mô, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, việc sử dụng đồng bộ, linh hoạt, có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Điều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính chủ động theo dõi diễn biến, tình hình trong nước, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau và với các cơ quan liên quan để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện nguồn lực của nền kinh tế.

Diễn biến nhanh, khó lường của tình hình kinh tế đòi hỏi phản ứng chính sách phải nhanh, có trọng tâm, hiệu quả, kịp thời. Thu ngân sách nhà nước cả năm dự báo đạt tốt, tạo dư địa tài khóa để có thể chủ động xây dựng, đề xuất ngay các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân.

Chính sách tài khóa cần nâng cao tính chủ động, có tính đến độ trễ trong việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để có lộ trình, phương án đề xuất, báo cáo, điều chỉnh phù hợp.

Chính sách tiền tệ cần thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỉ giá, điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh; tăng cường truyền thông để góp phần tránh tâm lý kỳ vọng.

Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí quản trị, hoạt động để giảm lãi suất cho vay, giảm bớt áp lực chi phí vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

Chính sách thương mại, sản xuất cần chủ động phương án điều tiết để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, hạn chế đầu cơ, tích trữ, làm giá, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời gian cuối năm 2022, đầu năm 2023, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực….

Xem thêm: lmth.281265a-gnat-aig-gnac-yagn-man-iouc-gnaht-gnuhn-et-hnik-nen-ohc-cuht-hcaht/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thách thức cho nền kinh tế những tháng cuối năm ngày càng gia tăng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools