Theo số liệu được Văn phòng thống kê Liên bang Đức – Destatis công bố trong ngày 29/7, kinh tế Đức không tăng trưởng trong quý II/2022, với tỷ lệ tăng GDP là 0%. Trong thông báo của mình, Văn phòng thống kê Liên bang Đức giải thích, nguyên nhân dẫn đến việc kinh tế Đức không tăng trưởng trong quý II là do “bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, với việc đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá nhiên liệu và nguyên liệu đầu vào tăng cao cũng như cuộc xung đột Nga-Ukraine”.
Với các số liệu này, Đức trở thành nền kinh tế lớn duy nhất tại châu Âu không tăng trưởng trong quý II năm nay. Trước đó, theo các số liệu được các nước công bố trong tuần này, Pháp, nền kinh tế số 2 châu Âu, tăng 0,5% trong quý II, Italia tăng 1% và Tây Ban Nha tăng 1,1%. Đây đều là các số liệu tốt hơn so với các dự đoán trước đó. Trong toàn bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu – eurozone, tỷ lệ tăng trưởng trong quý II/2022 cũng ở mức 0,7%, bất chấp việc tỷ lệ lạm phát vẫn tăng cao kỷ lục trong tháng 7 là 8,9%.
Đối với Đức, ngoài việc nền kinh tế không tăng trưởng trong quý II/2022, chỉ số về môi trường kinh doanh, do Viện nghiên cứu kinh tế Munich (IFO) công bố đầu tuần này sau khi khảo sát gần 9.000 doanh nghiệp Đức cũng cho thấy, chỉ số này đã giảm 3,6 điểm và đang ở mức thấp nhất từ tháng 6/2020, thời điểm nước Đức bước ra khỏi làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên.
Theo ông Clemens Fuest, Giám đốc IFO, điều này phản ánh mức độ bi quan của các doanh nghiệp Đức về triển vọng kinh tế trong những tháng tới và sự bi quan này hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, từ thương mại đến xây dựng và kể cả trong ngành du lịch và nếu tình hình không cải thiện, nước Đức sẽ đứng trước bờ vực suy thoái.
“Triển vọng thực sự là không tốt. Các công ty đang rất lo lắng, nhất là việc nguồn cung khí đốt có thể bị cắt đứt. Hiện nay khí đốt vận chuyển qua đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1” đã được nối lại nhưng rất ít. Ngoài vấn đề khí đốt, còn có việc giá năng lượng tăng cao. Các công ty lo ngại về điều này bởi họ có thể tạm thời chịu đựng nhưng nếu giá cao trong thời gian dài thì sẽ tạo ra quá nhiều khó khăn cho các mô hình kinh doanh và các công ty khi đó sẽ tự hỏi là liệu có đáng phải tiếp tục duy trì hoạt động hay không?”, ông Clemens Fuest nói.
Bên cạnh tâm lý bi quan của các doanh nghiệp, một chỉ số đáng báo động khác với nền kinh tế Đức, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức công bố trong tuần này cũng cho thấy, khoảng 16% doanh nghiệp Đức đã quyết định cắt giảm hoạt động hoặc đóng cửa nhà máy do giá năng lượng tăng cao. Trong số các nền kinh tế lớn châu Âu, Đức là nước phụ thuộc lớn nhất vào nguồn cung khí đốt từ Nga, khi Nga cung cấp khoảng 55% nhu cầu khí đốt cho Đức. Hiện tại, do xung đột Nga-Ukraine và việc đối đầu gia tăng giữa châu Âu và Nga, tập đoàn Gazprom của Nga hiện chỉ cung cấp 20% lượng khí đốt so với thông thường cho Đức và châu Âu thông qua đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1”.
Trong ngày 29/7, sau khi các số liệu kinh tế được công bố, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Đức đang làm tất cả để đa dạng hoá nguồn cung năng lượng, thúc đẩy việc sản xuất năng lượng tái tạo, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng. Ông Olaf Scholz nhận định, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã mang lại cho nước Đức bài học là không bao giờ được phép phụ thuộc đơn phương vào một đối tác nào trong tương lai./.