Hôm nay (30/7) là "Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người" và "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người".
Chủ đề năm nay là "Sử dụng và lạm dụng không gian mạng" nhằm lan tỏa thông điệp của chương trình; khẳng định cam kết của Chính phủ, nhân dân Việt Nam quyết tâm ngăn chặn nạn mua bán người.
Ở Việt Nam, theo số liệu Bộ Công an, 6 tháng đầu năm, cả nước đã phát hiện, điều tra 33 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người. Không chỉ trẻ em, nhiều người trưởng thành cũng bị lừa bán từ các mối quan hệ trên mạng xã hội.
Thông qua mạng xã hội với lời quảng cáo "việc nhẹ, lương cao", nhiều người đã bị bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, dịch vụ massage, karaoke trá hình.
Xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê...
Việt Nam có khoảng 77 triệu người dùng mạng xã hội, chủ yếu Facebook. Tỷ lệ phụ nữ dùng Facebook là 50,9%. Internet và công nghệ số trở thành công cụ và thủ đoạn của các đối tượng.
Chủ động nắm tình hình ngoại biên, tại cơ sở và trên không gian mạng; xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp và các đường dây, băng nhóm mua bán người để đấu tranh ngăn chặn được Bộ Công an triển khai quyết liệt.
Nhiều năm nay những ngôi nhà đón nạn nhân mua bán người trở về được mở ra. Hỗ trợ về tâm lý; xoa dịu tổn thương tinh thần; tìm kiếm việc làm… Nạn nhân mua bán người được thực sự trở về trong vòng tay của tất cả mọi người.
Thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng. Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống mua bán người.
VTV.vn - Nhẹ dạ với lời hứa "việc nhẹ lương cao", nhiều người vượt biên trái phép, tự nạp mình cho đường dây tội phạm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!