Từ 1/8, một số ngân hàng sẽ cho khách rút trước hạn một phần tiền gửi tiết kiệm khi có nhu cầu (Ảnh minh họa) |
Theo thông báo của Ngân hàng Việt Á (VietABank), từ ngày 1/8/2022, khách hàng có tiền gửi tại ngân hàng sẽ được rút một phần tiền trước hạn với lãi suất không kỳ hạn là 0,2%, phần số dư còn lại nếu khách tiếp tục gửi tại ngân hàng vẫn được hưởng mức lãi suất đã cam kết tại thời điểm ban đầu. Quy định áp dụng tất cho các khoản gửi trước và từ 1/8.
Quy định cũ không cho khách hàng rút một phần tiền gửi mà phải rút toàn bộ sổ tiết kiệm và phải chịu lãi suất tối đa bằng lãi không kỳ hạn, từ 0,1 - 0,2%. Chính vì vậy, nhiều khách hàng thường tính toán rất kỹ trước khi gửi tiết kiệm dài hạn, hoặc tách ra làm hai sổ, một sổ gửi kỳ hạn dài, một sổ gửi kỳ hạn ngắn để rút ra khi cần mà không lo bị mất lãi.
Quy định mới này rất thiết thực, khách hàng có nhu cầu cần rút một phần tiền sẽ được rút ngay mà không cần thực hiện vay cầm cố sổ tiết kiệm. “Khách hàng gửi tiết kiệm lãnh lãi đầu kỳ hoặc cuối kỳ đều được rút một phần số tiền khách hàng có nhu cầu, miễn làm sao số tiền còn lại lớn hơn số tiền quy định tối thiểu của ngân hàng” - đại diện VietABank cho hay.
Tương tự, từ ngày 1/8, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cũng ra mắt tính năng “rút vốn một phần trước hạn”, áp dụng cho sản phẩm “Tiết kiệm Phát Lộc Tài”, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn thông thường và tiền gửi có kỳ hạn dành cho khách hàng cá nhân. Phần vốn rút trước hạn sẽ được áp dụng mức lãi suất không kỳ hạn thấp nhất do SCB công bố tại thời điểm rút. Số dư còn lại sẽ tiếp tục được hưởng lãi suất như cam kết tại thời điểm khách hàng tham gia và phải đảm bảo không thấp hơn mức quy định tối thiểu khi mở tài khoản tiền gửi.
“Riêng với các khoản tiền gửi tham gia trước ngày 1/8, SCB và khách hàng sẽ tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận đã cam kết cho đến ngày hết hạn, ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi” - SCB thông báo.
Phó giám đốc một phòng giao dịch ngân hàng cho biết, một số đơn vị kinh doanh đang lo không biết liệu các chương trình của đơn vị mình có đáp ứng được quy định Thông tư yêu cầu hay không, nhất là với những khách đang gửi tiết kiệm bằng hình thức online. Khi nhân viên thực hiện rút một phần tiền cho khách hàng có cần kiểm tra, chỉnh sửa lãi mà khách được hưởng hay không. “Chúng tôi mong muốn làm sao khi Thông tư có hiệu lực, các chương trình sẽ “chạy” mượt mà để phục vụ khách hàng tốt nhất” - vị này nói.
Thanh Hoa