Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2022 hé lộ nhiều điểm nhấn trong bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp. Song hành với đà hồi phục tích cực của nền kinh tế chung, kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp cũng có nhiều gam màu tươi sáng.
Thống kê những doanh nghiệp có vốn hóa trên 1.000 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng ấn tượng ba chữ số trong quý này. Những doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận mạnh chủ yếu đến từ nhóm ngành Sản xuất và Phân phối điện, còn lại tập trung vào các ngành Thủy sản và Nuôi trồng chế biến cao su.
"Quán quân" tăng trưởng lợi nhuận tính đến thời điểm này thuộc về Công ty cổ phần Thủy điện Buôn Đôn (Mã CK: BSA). Theo đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 17,5 tỷ đồng, tăng hơn 220 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, đa phần các doanh nghiệp thủy điện có kết quả kinh doanh khả quan trong quý 2 nhờ hưởng lợi lớn khi mùa mưa quay trở lại đồng thời với La Nina mạnh trở lại. Theo đó, mảng thủy điện sẽ vẫn được hưởng lợi trong cả năm 2022 do sản lượng huy động cao do thủy điện luôn là nguồn năng lượng rẻ nhất.
Một đại diện khác của ngành điện là CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã CK: NT2) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng. Cụ thể, doanh thu thuần của NT2 đạt 2.687 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ. Dù giá vốn cũng tăng đáng kể, song doanh thu sản xuất điện tăng mạnh hơn giúp biên lợi nhuận được cải thiện từ 4,5% lên 15,2%.
Kết quả, Nhơn Trạch 2 thu về khoảng 365 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp gần 15 lần so với cùng kỳ. Theo đánh giá của SSI Research, kết quả quý 2 của doanh nghiệp khả quan kỳ vọng nhờ giá bán trung bình trên thị trường phát điện cạnh tranh (giá CGM) tăng 27% so với cùng kỳ, và sản lượng Qc tăng hơn 40% so với cùng kỳ.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (mã CK: HAX) cũng gây chú ý với mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng. Theo đó, doanh thu 2 ghi nhận đạt 1.475 tỷ đồng, tăng 27% và lợi nhuận sau thuế 81 tỷ đồng, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 8,6%, cải thiện mạnh từ mức 3,54% cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh Haxaco phục hồi mạnh từ mức nền thấp trong quý 2 và 3 năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là quý 3 hoạt động kinh doanh gần như bị "đóng băng".
Haxaco cho biết việc giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô có hiệu lực đến tháng 5 là đòn bẩy giúp công ty gia tăng cơ hội bán hàng, tăng biên lợi nhuận. Việc thiếu chip toàn cầu của ngành xe hơi làm hạn chế nguồn cung trong khi nhu cầu xe sang tăng mạnh sau dịch bệnh thúc đẩy biên lợi nhuận nhà phân phối Mercedes-Benz.
Nằm trong danh sách những doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận cao, CTCP Nam Việt (Mã CK: ANV). Trong kỳ, doanh thu thuần của Nam Việt đạt 1.295 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 240 tỷ đồng, cao gấp 10 lần cùng kỳ. Đây cũng là quý có lãi cao thứ hai của doanh nghiệp thủy sản này kể từ khi niêm yết, chỉ sau quý 4/2018.
Đằng sau kết quả tăng trưởng bùng nổ của ANV là sự tăng vọt về biên lãi gộp khi tăng mạnh từ 12,9% lên 35,1%. Kết quả tích cực này được đặt trong bối cảnh ngành cá tra kinh doanh thuận lợi, với giá bán và sản lượng xuất khẩu đồng loạt tăng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu cá tra hơn 1.4 tỷ USD, tăng 83% so cùng kỳ, trong khi các thị trường đều tăng mạnh.
Một doanh nghiệp thủy sản khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng ba chữ số trong quý 2 là CTCP Đầu tư vả Phát triển Đa quốc gia - I.D.I (Mã CK: IDI). Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 1.578 tỷ đồng, tăng 40,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 378 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ. Cộng với doanh thu tài chính tăng 58% lên 25,4 tỷ đồng, IDI báo lãi sau thuế 229 tỷ đồng, tăng hơn 8,5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình, sở dĩ doanh số bán hàng tăng hơn 40% nhưng lợi nhuận gộp tăng gần 3,5 lần là do công ty chủ động được nguồn cung cấp nguyên liệu giá tốt và giá cá xuất khẩu trên thị trường tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, lợi nhuận khác cũng tăng hơn 27%) do công ty ký thêm hợp đồng dịch vụ cho thuê tài sản để tối đa hóa hiệu quả các hạng mục tài sản của công ty.
"Ông lớn" ngành dầu khí CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã CK: BSR) cũng góp mặt trong danh sách doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý 2. Cụ thể, BSR ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 10.000 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Sở dĩ, lợi nhuận sau thuế quý 2 của BSR tăng mạnh là do đà tăng phi mã của giá dầu thô trong thời gian qua. Giá dầu thô bình quân từ 74,1 USD/thùng tháng 12/2021 tăng lên 87,22 USD/thùng tháng 1/2022 và tiếp tục tăng lên đến 123,70 USD/thùng vào tháng 6/2022.
Cùng kỳ năm 2021 giá dầu thô (giá Dated Brent) đã phục hồi từ đợt giảm sốc năm 2020, tăng từ 49,89 USD/thùng bình quân tháng 12/2020 lên 73,04 USD/thùng bình quân tháng 6/2021. Giá dầu thô và sản phẩm tiếp tục tăng cao đã tạo nhiều thuận lợi đối với tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty trong quý 2/2022.
Bên cạnh đó, nguyên nhân còn xuất phát từ chênh lệch giá dầu thô và sản phẩm. Khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính (crack margin) quý này tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước đã góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Với Hoá chất Đức Giang (Mã CK: DGC), giá photpho vàng đã tiếp tục tăng 25% từ đầu Quý 2 và trên 75% so với cùng kỳ năm ngoái khi Trung Quốc đã áp thuế xuất khẩu 120% đối với mặt hàng này.
Giá phân bón DAP và MAP cũng tăng mạnh hỗ trợ lợi nhuận DGC. Theo đó, doanh thu tăng cao dẫn đến lợi nhuận gộp của DGC đạt 2.125 tỷ đồng, cao gấp 4,3 lần cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ 24,3% lên 53%. Kết quả, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp tăng mạnh 459% lên 1.894 tỷ đồng.
https://cafef.vn/nhieu-doanh-nghiep-tang-truong-loi-nhuan-cao-trong-quy-2-co-doanh-nghiep-tang-gap-200-lan-so-voi-cung-ky-20220729161940337.chn