Walgreens và Rite Aid cho biết vấn đề ăn trộm ở các cửa hàng bán lẻ có tổ chức - nhóm này thường trộm sản phẩm và bán lại trên các sàn thương mại điện tử, đang khiến họ phải dùng nhiều tủ khóa hơn để cất đồ và đóng một số cửa hàng.
Cất giữ hàng hóa trong tủ khóa nay đã trở thành biện pháp được nhiều nơi áp dụng. Song, điều này cũng gây cảm giác bất tiện đối với người mua sắm và khiến các nhân viên chán nản vì luôn phải đi quanh cửa hàng với những chiếc chìa khóa cầm sẵn trên tay.
Paco Underhill - nhà sáng lập và CEO của công ty nghiên cứu, tư vấn hành vi Envirosell, cho biết: "Xu hướng này đang khiến khách hàng không hài lòng. Hơn nữa, đây cũng là một trải nghiệm không mấy vui vẻ với cả người bán hàng."
Trước thời điểm đầu thế kỷ 20, việc khóa các sản phẩm trong tủ là hình thức được các chuỗi cửa hàng bán lẻ áp dụng rộng rãi. Khi khách hàng ghé thăm một cửa hàng, nhân viên sẽ lấy và đưa đồ cho họ từ phía sau quầy.
Xu hướng này đã thay đổi kể từ khi các cửa hàng tự phục vụ đầu tiên như Piggly Wiggly ra đời vào đầu thế kỷ 20. Họ nhận thấy hàng hóa được bán ra nhiều hơn và giảm chi phí bằng cách bày bán hàng hóa trên kệ.
Các chuyên gia phòng chống tội phạm cho biết, việc cửa hàng có ít nhân sự giúp các chuỗi cửa hàng tăng lợi nhuận trong những thập kỷ gần đây. Song, ở một số trường hợp, việc cho phép khách hàng tự do chọn đồ lại khiến hành vi trộm cắp tăng cao.
Rachel Shteir - tác giả của cuốn "The Steal: A Cultural History of Shoplifting", viết tình trạng ăn cắp vặt đã diễn ra trong nhiều thế kỷ, nhưng được phát hiện ở Mỹ vào năm 1965. Trong năm này, FBI báo cáo số trường hợp ăn cắp vặt đã tăng 93% trong 5 năm trước đó và là hình thức trộm cắp xảy ra nhiều nhất tại Mỹ. 3 năm sau đó, giới chức Mỹ cho biết tình trạng thanh thiếu niên ăn cắp vặt đã tăng lên.
Adrian Beck - chuyên gia nghiên cứu về tổn thất của ngành bán lẻ tại Đại học Leicester, cho biết các cửa hàng tìm cách giữ "một số ít sản phẩm quan trọng, mang lại lợi nhuận cao cho họ, và họ sẵn sàng chấp nhận các hành vi trộm cắp với nhiều sản phẩm mang lại ít lợi nhuận hơn."
Theo một nhà tội phạm học, các tên trộm thường nhắm đến các loại hàng hóa có kích cỡ nhỏ và có giá cao. Đây là những sản phẩm "dễ dàng cất giấu, có thể tháo rời, có giá trị và có thể dùng 1 lần."
Các mặt hàng thường bị đánh cắp ở các cửa hàng bán lẻ tại Mỹ bao gồm: thuốc lá, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, sức khoẻ, thuốc không kê đơn, thuốc tránh thai, rượu, miếng dán trắng răng và một số sản phẩm khác. Các cửa hàng tiện lợi thường bày bán nhiều các sản phẩm này, do đó họ cũng thường xuyên sử dụng tủ khóa hơn các hình thức bán lẻ khác.
Trong bối cảnh đó, các nhà bán lẻ cho biết những nhóm tội phạm có tổ chức chuyên ăn trộm đồ ở cửa hàng khiến họ gặp nhiều khó khăn. Các băng nhóm thường tìm cách trộm hàng hóa từ cửa hàng và nhanh chóng bán lại trên các trang trực tuyến như Amazon hay thông qua các thị trường bất hợp pháp khác.
Tuy nhiên, nhiều biện pháp chống trộm trong thời gian qua được các cửa hàng tiện lợi áp dụng lại khiến khách hàng không hài lòng. Doanh số bán hàng cũng sụt giảm. CEO của một công ty kinh doanh thiết bị chống trộm cho biết các sản phẩm bị khóa có thể khiến doanh số giảm từ 15 đến 25%.
Hơn nữa, khách hàng hiện tại cũng không thích phải chờ đợi. Một số sẽ lựa chọn ra ngoài và mua đồ trên Amazon thay vì loanh quanh trong cửa hàng và đợi nhân viên đưa sản phẩm cho mình. Theo đó, các cửa hàng đang tìm những cách thức mới để khóa sản phẩm trong khi vẫn giúp khách hàng có trải nghiệm tốt. Chẳng hạn, họ sử dụng một loại tủ mà nhân viên có thể mở khóa bằng smartphone, hoặc một số yêu cầu khách hàng nhập số điện thoại để mở hay quét mã QR.
Tham khảo CNN
http://tintuc.vdong.vn/07/1447411.htm