Chính phủ vừa ban hành nghị định 44/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo nghị quyết số 101/2023 của Quốc hội. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7 đến hết ngày 31-12-2023.
Theo đó, giảm thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất.
Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá điếu, xì gà, rượu, bia, xe ô tô dưới 24 chỗ, xe mô tô hai bánh, ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3, tàu bay, du thuyền, xăng các loại…
Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin như card âm thanh, hình ảnh, mạng và các loại card tương tự dùng cho máy xử lý dữ liệu tự động, thẻ thông minh, máy vi tính và các thiết bị ngoại vi của máy vi tính...
Việc giảm thuế VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại....
Về mức giảm thuế VAT, nghị định nêu rõ cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế VAT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ nêu trên.
Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế VAT theo phương pháp tỉ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỉ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ nêu trên.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT/chịu thuế VAT 5% thì không được giảm thuế VAT.
Trước đó, tờ trình với việc giảm 2% thuế VAT, người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này.
Bởi việc giảm thuế VAT với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành.
Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Về tác động của chính sách, theo tờ trình của Chính phủ, nếu áp dụng việc giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm, dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước tương đương khoảng 24.000 tỉ đồng (đối với thu ngân sách nhà nước năm 2023 thì dự kiến giảm 20.000 tỉ đồng do số thu thuế VAT phải nộp của tháng 12-2023 nộp trong tháng 1-2024).
Có đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc giảm thuế VAT 4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu, bởi mức giảm 2% có thể không đạt được mục tiêu đề ra.