Ngày 30-6, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) phối hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM tổ chức hội nghị "Đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) và chính quyền thành phố".
Khó vay vốn
Tại hội nghị, đại diện Công ty Lữ hành Vietluxtour cho biết DN đang có nhu cầu vay vốn để mở rộng kinh doanh nhưng NH thương mại yêu cầu phải có tài sản thế chấp. DN mong muốn các NH có cơ chế để những DN uy tín, kinh doanh có lãi được vay tín chấp. Ngược lại, để hạn chế rủi ro cho NH, DN sẽ điều chuyển dòng tiền về NH cho vay.
Hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng lãi suất cho vay hiện còn cao, vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế .Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Lương Ngọc Trung, Công ty CP Giải pháp công nghệ Con Voi - DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo - cho biết đang tìm nguồn vốn để thực hiện dự án "Trường sạch" với mục tiêu giúp khoảng 6.000 trường học có nhà vệ sinh sạch trong 5 năm tới. Tổng kinh phí dự tính khoảng 17 tỉ đồng, trong đó vốn lưu động cần vay khoảng 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, DN đã "gõ cửa" rất nhiều NH thương mại nhưng chưa vay được vốn vì không có tài sản thế chấp. "Chúng tôi không biết gặp ai để được hướng dẫn và hỗ trợ. Đây là dự án tâm huyết của DN với mong muốn đóng góp cho xã hội nên chúng tôi kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ từ các sở, ban, ngành và NHNN" - ông Trung bày tỏ.
Nhiều DN khác cũng cho biết có nhu cầu vay vốn tín chấp để đầu tư cho sản xuất - kinh doanh thay vì yêu cầu phải có tài sản thế chấp mới được vay vốn.
Lãi suất cho vay giảm nhỏ giọt
NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành trong vòng 3 tháng qua nhưng nhiều DN phản ánh lãi suất cho vay giảm không tương xứng với kỳ vọng và vẫn vượt quá sức chịu đựng của DN.
Đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ hàng hóa Belief cho hay do có nhu cầu vay vốn NH, công ty đã tiếp cận hình thức vay thấu chi nhưng lãi suất khoảng gần 20% là quá cao nên không đủ điều kiện trả lãi suất. Trong khi đó, công ty không đạt điều kiện về mô hình kinh doanh để được hưởng lãi suất ưu đãi từ các gói kích cầu đang triển khai.
"Nghe thông tin về chương trình hỗ trợ 2% lãi suất, chúng tôi hỏi nhân viên một NH thương mại ở TP HCM nhưng nhân viên cho hay "không rõ về gói này". Chúng tôi kiến nghị NHNN Chi nhánh TP HCM thông tin nhiều hơn về các chính sách hỗ trợ vốn lưu động để DN có thể tiếp cận" - đại diện DN này nói.
Ông Đinh Công Khương, Chủ nhiệm CLB DN Thép tại TP HCM, cho biết ngành thép có nhu cầu vay vốn rất lớn, từ vài chục tỉ đến vài chục ngàn tỉ đồng. Với đặc thù dư nợ tín dụng lớn nên chỉ cần lãi suất giảm 0,5 điểm % thì sẽ giảm đáng kể áp lực tài chính cho DN. "Dù NHNN đã giảm lãi suất điều hành đến 4 lần nhưng lãi suất cho vay chỉ giảm 2 lần, mỗi lần giảm 0,2-0,3 điểm %, là chưa tương xứng. DN luôn muốn kinh doanh có lời để trả lãi vay nhưng bối cảnh hiện tại quá khó khăn. Nếu DN phá sản cũng gây nguy cơ gia tăng nợ xấu cho NH nên chúng tôi mong muốn NHNN yêu cầu NH thương mại xem xét giảm lãi suất để hỗ trợ DN" - ông Đinh Công Khương kiến nghị.
Không quy định phải có tài sản thế chấp mới được vay
Phản hồi DN tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, cho biết không có quy định bắt buộc DN phải có tài sản thế chấp mới được vay vốn NH mà chỉ cần DN đang hoạt động, đủ điều kiện pháp lý là sẽ được vay vốn. Tuy nhiên, theo quy chế cho vay hiện nay, các NH thương mại được tự quyết định việc cho vay thế chấp hoặc tín chấp.
"Để vay tín chấp, DN phải hoạt động hiệu quả, có xếp hạng tín nhiệm tốt và kiểm soát tốt dòng tiền. Tín dụng tín chấp được giải ngân khi NH có niềm tin tuyệt đối vào DN, thẩm định được khả năng của DN thông qua việc nắm được đầy đủ thông tin, DN báo cáo tài chính minh bạch, có uy tín, thương hiệu. Do đó, cho vay tín chấp khó hơn rất nhiều so với vay thế chấp" - ông Nguyễn Đức Lệnh phân tích.
Riêng với DN khởi nghiệp, lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP HCM cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa; chương trình khởi nghiệp, cho vay qua hệ thống cơ chế, chính sách riêng thay vì tiếp cận vốn NH. Lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP HCM khuyến nghị DN mới thành lập cần hoạt động công khai, minh bạch, trên cơ sở đó NH mới có thể xem xét cho vay.
Khổ vì vay vốn "kèm" mua bảo hiểm
Một tình trạng khiến nhiều DN bức xúc là muốn vay vốn NH phải mua bảo hiểm. Đại diện một DN cho biết khi làm thủ tục vay vốn NH, nhân viên đưa ra lựa chọn: phải mua bảo hiểm mới được hưởng lãi suất ưu đãi, còn không mua bảo hiểm thì phải chịu lãi suất cao hoặc không được giải ngân. "Khoản tiền mua bảo hiểm với DN lớn thì không đáng kể nhưng với DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ thì lại lớn. DN không có lựa chọn do hồ sơ tín dụng, hồ sơ vay vốn đã gửi vào NH, tài sản thế chấp cũng đã ở NH, không dễ chuyển sang NH khác..." - đại diện DN phản ánh.
Ông Nguyễn Đức Lệnh khẳng định nếu NH ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm nhân thọ là sai quy định. NHNN có đường dây nóng nhận phản ánh của người dân, DN liên quan hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng. Nếu bị ép mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn, khách hàng cá nhân và DN hãy mạnh dạn phản ánh tới NHNN.
Xem thêm: mth.87675621203603202-nac-peit-ohk-oac-nav-taus-ial/et-hnik/nv.moc.dln