Cần đưa ra khỏi bộ máy những người vô cảm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Nhiều ý kiến cử tri cho rằng một trong những điểm nóng nhất trong kỳ họp thứ 5 mà cử tri và người dân quan tâm là vấn đề tăng giá điện, cắt điện luân phiên ở nhiều nơi.
Cùng với đó, các cử tri cũng bày tỏ sự quan tâm về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cử tri Hoàng Thanh Hồng (Ba Đình) nhấn mạnh, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đem lại niềm tin cho nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng.
Đề cập đến vụ đăng kiểm, ông Hồng nói đây là vụ việc việc đã để lại những hệ lụy không nhỏ.
“Cần xử lý nghiêm vi phạm để làm gương cho người khác. Các bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách, quy định để các trung tâm đăng kiểm sớm đi vào hoạt động ổn định”, ông Hồng bày tỏ.
Ông cũng bày tỏ lo lắng khi một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu né tránh sợ trách nhiệm, không dám làm, ảnh hưởng đến người dân.
Cử tri Đặng Minh Hòa (Đống Đa) chỉ rõ thời gian qua đã đưa ra ánh sáng nhiều đại án như Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, chuyến bay giải cứu, AIC …
Tuy nhiên theo ông Hòa còn một dạng tiêu cực đã tồn tại lâu nay, mặc dù đã được chỉ ra trong nhiều hội nghị nhưng xem ra không thuyên giảm mà có mặt vẫn diễn ra nghiêm trọng, đó là sự lãng phí.
Trong đó, có sự lãng phí khi những người được giao nhiệm vụ thiếu năng lực công tác, thiếu tinh thần trách nhiệm, vô cảm, né tránh đùn đẩy trách nhiệm…
Cùng với đó, nhiều bộ, cơ quan sau khi được bố trí trụ sở mới nhưng không bàn giao trụ sở cũ cho địa phương. Nhiều khu đất có vị trí đắc địa, "đất vàng" ở các trung tâm đô thị nhưng bị bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí nguồn lực.
Từ đó, ông Hòa đề nghị đưa ra khỏi bộ máy những người vô cảm né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tăng cường cơ chế và bộ máy kiểm tra giám sát quyền lực thật hiệu quả...
Cử tri Phùng Huy Đan (Đống Đa) cũng đề nghị cần có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi và động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.
Xây dựng Hà Nội xứng đáng là thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng
Phát biểu tại đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn ý kiến của các cử tri nêu ra. Ông nhấn mạnh ý kiến của các cử ngắn gọn nhưng trúng, đúng vấn đề.
Tổng bí thư đã dành nhiều thời gian nhắc lại các chức năng, nhiệm vụ, ý nghĩa quan trọng của Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Trong đó, 3 chức năng cơ bản là xây dựng luật pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Những công việc này được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Về mặt Nhà nước, theo Tổng bí thư, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Quốc hội bầu ra Thủ tướng, phê chuẩn các thành viên Chính phủ, giám sát hoạt động của Chính phủ, bãi nhiệm, miễn nhiệm các chức như Thủ tướng, Phó thủ tướng, bộ trưởng... đồng thời, quyết định những vấn đề quan trọng.
Ông cũng chỉ rõ việc Chính phủ là cơ quan thừa hành nên khi Quốc hội đã có quyết định thì Chính phủ và chính quyền các cấp phải thực hiện theo.
Nói về Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ đây là thủ đô, đô thị đứng đầu, chỉ có một. Đây là trung tâm chính trị, văn hóa, các hoạt động đối ngoại đều diễn ra ở đây...
Do đó, cần phát huy truyền thống hào hoa, thanh lịch, văn hiến, anh hùng để xây dựng môi trường hòa bình, ổn định.
"Cần vận dụng để xây dựng thủ đô xứng đáng là thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch. Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người", Tổng bí thư nói.
Ông đề nghị Hà Nội cần xây dựng văn hóa, giữ gìn cho được các di sản văn hóa bởi đây là "nguồn sống, động lực, trách nhiệm của các thế hệ đi sau".
Tổng bí thư cũng nêu rõ đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội phải văn hóa, trình độ, đóng góp thiết thực, tích cực với Quốc hội. Cái gì đúng phải bảo vệ, cái gì làm không đúng phải phản đối, đấu tranh.
Hà Nội đã đưa 54 vụ việc, vụ án vào diện theo dõi
Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đinh Tiến Dũng đã tiếp thu các ý kiến của cử tri nêu ra.Với công tác phòng chống tham nhũng, ông nhắc lại đề nghị, đánh giá của cử tri và ông thấy "rất đúng, rất trúng". "Ngày xưa chúng ta nói "trên nóng, dưới lạnh", bây giờ bên dưới đã ấm dần lên", ông Dũng nói.
Ông dẫn chứng sau khi có chủ trương của trung ương, Hà Nội là một trong những địa phương thành lập Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đầu tiên.
Sau 1 năm, đến nay, Ban Chỉ đạo của Hà Nội đã đưa 54 vụ việc, vụ án vào diện theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo. Trong đó, có 27 vụ việc mới gồm 25 vụ về các trạm đăng kiểm; 2 vụ liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai ở Gia Lâm, Hoàng Mai.
Ông Dũng khẳng định Ban Chỉ đạo hoạt động rất thường xuyên, theo quy chế, đôn đốc các cấp, ngành, cơ quan tích cực hơn, đặc biệt trong vấn đề về định giá, giám định tài sản - là vấn đề rất khó trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. "Hà Nội sẽ tích cực vấn đề này, ông Dũng nhấn mạnh.
Sáng 19-6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị sơ kết một năm hoạt động Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.