Quốc là con trai duy nhất của hai vợ chồng giáo viên trường THPT tại Hội An. Cha Quốc là thầy Đỗ Phú Hưng - giáo viên toán tại Trường THPT Trần Quý Cáp và mẹ là cô giáo Văn Phương Trang - giáo viên dạy văn rất nổi tiếng tại "làng văn xứ Quảng".
Mê thí nghiệm hơn điện thoại, trò chơi
Ở Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (Hội An, Quảng Nam), Đỗ Phú Quốc được gọi vui là "Quốc tồ". Khá khác với bạn bè cùng trang lứa, Quốc hầu như không sử dụng điện thoại, rất ít khi dùng Facebook hay các mạng xã hội khác.
Thầy Đỗ Phú Hưng, cha Quốc, nói rằng ông thấy con trai mình có một chút "khác biệt" vì hầu như mọi thời gian Quốc đều vùi đầu trong mớ sách tự đặt mua được ở đâu đó trên mạng nói về chủ đề hóa học, trong đó có nhiều sách nước ngoài.
Ngoài giờ ở trường, "nhà vô địch" lớp 11 này đóng kín cửa phòng thực hiện các thí nghiệm hóa học để tìm tòi, khám phá sự kỳ diệu của bộ môn mình theo đuổi.
Từ nhỏ, niềm đam mê của Quốc là môn tiếng Anh chứ không phải hóa học. Với sự động viên, định hướng từ cha mẹ Quốc đạt được giải cao trong các kỳ thi tiếng Anh của tỉnh.
Mọi thứ chuyển hướng hoàn toàn vào năm Quốc học cuối chương trình THCS. Những công thức hóa học vốn rối rắm nhưng đầy logic đã lôi cuốn cậu vào một thế giới kỳ thú.
"Từ khi tiếp xúc với hóa học, tôi thấy con mình say mê hơn. Cứ đi học về là mẩn mê suy nghĩ gì đó rồi xin tiền cha mẹ lên mạng đặt dụng cụ thí nghiệm về thực hành. Chúng tôi hiểu con mình đang tuổi khám phá, có đam mê và tìm tòi nên rất ủng hộ", thầy Hưng kể.
Học tập là niềm yêu thích
Cô Văn Phương Trang, mẹ Quốc, cũng nhấn mạnh quá trình học tập và cách thức để đi đến "đỉnh Olympic" của Quốc hầu như đều đến từ niềm đam mê cháy bỏng và tinh thần tự học, tự lập tới sắt đá.
"Cháu không đi học thêm ở các trung tâm mà chỉ được các thầy cô giáo chủ nhiệm, thầy cô giáo bộ môn đồng hành. Người truyền cảm hứng và đồng hành với đam mê của Quốc là thầy Phạm Lê Ngọc Anh - dạy chuyên hóa Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông.
Tôi là giáo viên chuyên văn, chồng dạy toán nhưng khả năng cũng bình thường nên không giúp được con nhiều mà chủ yếu do cháu đam mê rồi tìm mọi cách để khám phá", cô Trang nói.
Nói về niềm đam mê hóa học của mình, Quốc bảo mình không hứng thú với "trà sữa, game hay điện thoại, Facebook" mà chỉ muốn được giải đề hóa học rồi làm thí nghiệm để thấy sự kỳ thú của bộ môn này.
"Em thấy hóa học rất gần với đời sống, nó ở ngay mọi thứ xung quanh mình. Khi thấy mẹ nấu cơm, em đứng sau và nhìn vào chiếc nồi đang sôi trên bếp rồi tự hỏi tại sao dầu mỡ lại nổi trên mặt nước...
Em suy nghĩ và đi tìm sách vở để giải đáp, khi giải được đề thi nào khó em lại đi mua đồ về thí nghiệm và thấy nó diễn ra y như công thức mình được học. Em nghĩ rằng cứ đam mê thì càng thích học, càng tìm tòi và từ đó sẽ biết thêm. Em không coi việc học là nghĩa vụ mà là niềm yêu thích", Quốc nói.
Giỏi toàn diện
Không chỉ hóa học mà suốt từ nhỏ đến hết lớp 11 Đỗ Phú Quốc luôn học vượt trội các môn. Điểm trung bình đều trên 9. Kết thúc năm 11, Quốc đạt điểm bình quân 9,8. Các môn thuộc về khối xã hội như văn học thì điểm của Quốc cũng trên 9,5.
Thầy Phạm Lê Ngọc Anh nhận xét sự khác biệt lớn nhất của Quốc đó là khả năng tư duy độc lập, ý thức học tập.
"Quốc là người đầu tiên của Quảng Nam đi thi hóa học cấp quốc tế và cũng là người đầu tiên đoạt giải. Tôi và giáo viên chủ nhiệm chỉ xây dựng lý thuyết cơ bản, hướng dẫn con đường học tập, còn lại chủ yếu cháu tự tìm tòi khám phá rồi học tốt. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng có hỏi tại sao học sinh 11 mà lại không thích trà sữa, mạng xã hội thì Quốc bảo ghiền thứ đó sẽ mất thời gian và đầu óc thiếu tập trung", thầy Anh nói.
TTO - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng nói việc nhận diện hành vi cụ thể có phải là bạo lực gia đình không là rất khó, nên cơ quan soạn thảo cố gắng phân làm 4 nhóm và nhận diện thành 16 biểu hiện như dự thảo luật sửa đổi.