Ngày 30-6, UBND huyện Mê Linh cùng phối hợp với Viện quy hoạch xây dựng TP Hà Nội tổ chức hội thảo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô có 11,2 km đi qua huyện Mê Linh vừa được khởi công vào ngày 25-6, mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của Mê Linh cũng như khu vực phía Bắc sông Hồng của Hà Nội...
Bản đồ nghiên cứu quy hoạch huyện Mê Linh (Hà Nội) |
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới về quy hoạch phát triển đô thị như: Tập đoàn Noble (Hàn Quốc); Tập đoàn Tư Vấn Haskoning (Hà Lan); Liên danh Công ty Tư vấn xây dựng Ánh Dương và Wimberly Allison Tong & Goo...
Mê Linh không chỉ có 7.000 ha đất đô thị
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho biết ngay sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 (tháng 1-2023), Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo UBND huyện khẩn trương triển khai công tác lập quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có vai trò dẫn dắt, định hướng cho sự phát triển của toàn địa phương trong nhiều năm tới...
Cũng theo ông Liêm, trong quá trình lập quy hoạch huyện đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, đơn vị tư vấn và các cơ quan, đơn vị liên quan kế thừa những quan điểm định hướng phát triển còn phù hợp với tình hình thực tiễn đã được phê duyệt.
Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm. Ảnh: Trọng Phú |
“Đồng thời chúng tôi cũng bổ sung, phát triển những vấn đề mới trên cơ sở bám sát chủ trương của Trung ương, Thành phố, đặc biệt là Nghị Quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội...” – ông Liêm nói và cho biết trong đó có việc “định hướng phát triển kinh tế Mê Linh theo hướng cân bằng, bền vững làm tiền đề cho việc nâng cấp huyện lên thành quận, hoặc TP trực thuộc Thủ đô”.
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho hay Mê Linh là một trong những huyện đầu tiên trong cả nước có quy hoạch đô thị để trở thành thành phố vệ tinh, "đối trọng" của thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên ý tưởng này đến nay chưa thực hiện thành công, sự phát triển hạ tầng của Mê Linh đến nay còn chậm, thiếu đồng bộ và chưa xứng tầm với vị trí, điều kiện cũng như tiềm năng của huyện...
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Trọng Phú |
“Mê Linh trong tương lai phải trở một thành phố trong thành phố, là điểm kết nối của trục hành lang Đông Tây, là đô thị vệ tinh và một trong những cực tăng trưởng của Hà Nội...", ông Dũng nói.
Ông cũng nhấn mạnh, hiện Mê Linh có tiềm năng lớn với quỹ đất đô thị khoảng 7000ha, có hệ thống giao thông kết nối khá đồng bộ: như vành đai 3, sân bay Nội Bài, đặc biệt là đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô vừa được khởi công.
Mê Linh còn có lợi thế cạnh sông Hồng với nhiều giá trị vật thể, phi vật thể cả về kinh tế, văn hoá. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp hiện có của Mê Linh cũng đang phát triển rất mạnh. Vị trí của Mê Linh cũng rất thuận lợi để huy động các nguồn lực… “Đây là những động lực mà Mê Linh cần đưa vào quy hoạch phát triển” – nguyên Phó Thủ tướng lưu ý.
Vị thế Mê Linh không huyện nào có được
Tại hội thảo, đại diện các tập đoàn tư vấn hàng đầu của thế giới đều đánh giá tiềm năng của Mê Linh rất lớn. Nó tập trung vào quỹ đất lên đến 7.000 ha và nằm rất gần nội thành Hà Nội. Quỹ đất này có thể thiết kế để phát triển các đô thị thông minh, xanh, trung tâm công nghệ, dịch vụ tài chính, công nghiệp hiện đại...
Bên cạnh đó, Mê Linh có đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường hàng không (sân bay Nội Bài), đường thủy (sông Hồng), đường sắt... nên có thể tập trung phát triển dịch vụ logicstic. Cùng với đó Mê Linh cũng có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, du lịch văn hóa, tâm linh...
Góp ý tại hội thảo, PGS.TS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển Việt Nam chia sẻ Mê Linh có vị trí, vai trò “đặc biệt quan trọng”, chính vì vậy mà trong 5 phương án đưa ra khi nghiên cứu mở rộng Thủ đô Hà Nội đều có Mê Linh ở trong đó.
“Vị thế của huyện Mê Linh không huyện nào có được vì gần sân bay, có đường sắt, cao tốc (Hải Phòng – Lào Cai kết nối với Côn Minh (Trung Quốc)), sông Hồng... Chính vì vậy, Mê Linh cần lấy cái này để làm động lực phát triển” – ông nói.
PGS.TS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển Việt Nam. Ảnh: Trọng Phú |
Đặc biệt, ông lưu ý Mê Linh là địa phương nằm cạnh sông Hồng và đó là không gian phát triển quan trọng cần được nhấn mạnh và đề cập cụ thể hơn khi xây dựng quy hoạch.
Cùng với đó, Mê Linh cũng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, là quê hương của hai vị anh hùng - Hai Bà Trưng, đây là lợi thế rất lớn để phát triển du lịch văn hóa, cội nguồn nhưng trong quy hoạch đề cập đến vấn đề này rất mờ. Do vậy cần nghiên cứu có những quảng trường về văn hóa, lịch sử mang tính chất dẫn dắt khi du khách đến với vùng đất Mê Linh...
Còn TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho hay Mê Linh là khu vực tâm linh, di sản, văn hoá không chỉ của địa phương, mà của Hà Nội và quốc gia, nhất là từ khi sát nhập vào Hà Nội, thì Mê Linh được xác định là cửa ngõ kết nối với Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội.
“Vì vậy cần phải nhận diện đúng vị thế, vai trò của Mê Linh không chỉ là đóng góp cho riêng Hà Nội, mà phải là cho sự phát triển của cả vùng, cả quốc gia. Có nhiều nhiệm vụ mà Trung ương, TP Hà Nội giao cho Mê Linh. Do vậy, cần phải nghiên cứu kỹ những nội dung này theo đặc thù, thế mạnh của địa phương để cụ thể hoá vào bản quy hoạch” – ông Nghiêm đề nghị.