Mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xử liên tiếp hai vụ án giết người có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Ở vụ thứ nhất, HĐXX tuyên y án tử hình đối với Trần Huy (36 tuổi) về tội giết người. Vụ thứ hai, HĐXX cũng quyết định giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Phạm Tuấn Kiệt (35 tuổi) và Nguyễn Ngọc Lắm (29 tuổi) cùng mức án chung thân về tội giết người.
Phía bị hại xin giảm nhẹ vẫn không 'cứu' được bị cáo Trần Huy thoát án tử hình. Ảnh: MINH CHUNG |
Ở nhiều vụ án, người bị hại (hoặc người đại diện của họ) thường kháng cáo theo hướng đề nghị cấp phúc thẩm tăng nặng hình phạt đối với bị cáo. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bị hại lại có kháng cáo hoặc đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo (như hai vụ án nêu trên).
Vậy luật có cho phép bị hại có quyền kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo?
Theo Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) thì bị hại được xác định là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
Theo đó, bị hại hoặc người đại diện của họ có các quyền, trong đó có quyền kháng cáo bản án, quyết định của tòa án.
Như vậy, bị hại hoàn toàn có quyền kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. HĐXX cấp phúc thẩm sẽ xem xét kháng cáo này. Còn quyết định có giảm nhẹ hay không phụ thuộc vào nhận định của HĐXX trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan vụ án.
Cần lưu ý, chỉ có một số người tham gia tố tụng theo luật định mới có quyền kháng cáo về phần hình phạt như bị hại, bị cáo. Còn những người khác như nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan... thì không có quyền kháng cáo để đề nghị cấp phúc thẩm tăng nặng hay giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo.