Hình ảnh của các công trình kiến trúc nổi tiếng được chụp vào những năm 20 của thế kỷ XX và hình chụp vào năm 2023. Hãy cùng PLO chiêm ngưỡng vẻ đẹp hơn 100 năm tuổi của các công trình này.
Nhà hát Thành phố
Nhà hát Thành phố (Opera House) khánh thành vào đầu năm 1900. Tác giả của tòa kiến trúc này là các kiến trúc sư Félix Olivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret xây dựng năm 1900 theo lối kiến trúc “flamboyant”. Cho đến nay, nơi này vẫn là nhà hát lớn nhất của TP.HCM.
Nhà hát Thành phố (Opera House) khánh thành vào đầu năm 1900. Ảnh tư liệu |
Toàn bộ các mẫu trang trí, phù điêu mặt tiền và nội thất đều được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ 19 và gửi từ Pháp qua.
Vào thập niên 1920, Nhà hát Thành phố mang tên Nhà hát lớn Sài Gòn, con đường trước nhà hát mang tên Francis Garnier. Sau 1955, đường đổi tên thành Công Trường Lam Sơn và tên này vẫn được sử dụng chính thức cho đến bây giờ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử với những vai trò khác nhau, sau khi đất nước thống nhất, Nhà hát lớn Sài Gòn đổi tên thành Nhà hát Thành phố.
Nhà hát Thành phố ngày nay. Ảnh: Thiện Hợp |
Ngày nay, Nhà hát Thành phố tọa lạc tại số 7 Công Trường Lam Sơn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
Khánh sạn Majestic
Khách sạn Majestic được xây dựng vào năm 1925 tại góc đường Catinat và Quai de Belgique, nay là đường Đồng Khởi và Tôn Đức Thắng. Khách sạn Majestic là khách sạn 5 sao đầu tiên do người Việt tự đầu tư, quản lý và điều hành.
Khách sạn Majestic được xây dựng vào năm 1925. Ảnh tư liệu |
Công trình do kiến trúc sư Pháp thiết kế cùng với sự đầu tư của một thương gia Việt gốc Hoa giàu có bậc nhất Sài Gòn - Gia Định lúc bấy giờ. Năm 1965, khách sạn được xây thêm hai tầng nữa theo bản vẽ cải tạo của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.
Năm 1997, Majestic được Tổng cục Du lịch công nhận là khách sạn đạt chuẩn 4 sao, năm 2007 đạt chuẩn 5 sao.
Khách sạn từng đón tiếp nhiều nhân vật quan trọng như Tổng thống Pháp Mitterrand, Thái tử Nhật Akishino, Thái tử Đan Mạch Henrick, Hoàng tử Anh Andrew, Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sring Dhorn, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long…
Khách sạn Majectis tọa lạc tại số 1 đường Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. |
Ngày nay, khách sạn tọa lạc tại số 1 đường Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
Tòa án Nhân dân TP.HCM
Toà án Nhân dân TP.HCM (thời Pháp mang tên Palais de Justice de Saigon – Tòa Đại hình Sài Gòn) được xây dựng năm 1881, khánh thành năm 1885. Công trình do hai kiến trúc sư người Pháp là Jule Bourard thiết kế phần kiến trúc và Alfred Foulhoux thi công phần trang trí mỹ thuật. Sau năm 1954, nơi này đổi tên thành Tòa án Quốc gia. Sau năm 1975 là Tòa án Thành phố đến ngày nay.
Toà án Nhân dân TP.HCM (thời Pháp mang tên Palais de Justice de Saigon – Tòa Đại hình Sài Gòn) được xây dựng năm 1881. Ảnh tư liệu |
Công trình được thiết kế theo những chuẩn mực của kiến trúc phương Tây nhưng có những biến đổi để phù hợp với môi trường khí hậu bản địa. Sự kết hợp Đông – Tây thể hiện trong thiết kế tổng thể của công trình.
Tòa án TP.HCM có lối kiến trúc hết sức độc đáo của Sài Gòn xưa |
Trong các di tích cấp quốc gia được xếp hạng tính đến thời điểm hiện nay, trụ sở tòa án TP.HCM là một công trình xây dựng không thay đổi công năng và có lối kiến trúc hết sức độc đáo của Sài Gòn xưa.
Công trình tọa lạc tại số 131 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM.
Trụ sở Ủy ban Nhân dân TP.HCM
Tòa nhà có tên tiếng Pháp là L'Hotel de ville (người dân gọi là Dinh Xã Tây) xây dựng 1898 đến năm 1909 khánh thành. Công trình do kiến trúc sư Gardès và họa sĩ Ruffier thực hiện. Thiết kế của tòa nhà này được mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp.
Trụ sở Ủy ban Nhân dân TP.HCM là một trong những công trình kiến trúc cổ điển ở TP.HCM được xây dựng năm 1898- 1909. Ảnh tư liệu |
Dinh Xã Tây trên giấy tờ gọi là Tòa thị sảnh. Trước năm 1975, nơi này được gọi là Tòa Đô Chánh, là nơi làm việc và hội họp của chính quyền Sài Gòn.
Sau 1975, Dinh Xã Tây trở thành trụ sở làm việc của UBND TP.HCM.
Trụ sở UBND TP.HCM hiện nay. |
UBND TP.HCM đã trở thành một di tích kiến trúc cổ nổi tiếng thu hút khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng. Công trình tọa lạc tại số 86 đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn
Trước đây là tòa nhà Bureau du Chemin de Fer của Công ty hỏa xa Đông Dương khánh thành năm 1914. Năm 1952, tòa nhà trở thành trụ sở Hỏa xa Việt Nam dưới sự quản lý của Bộ Công trình Công cộng và Vận tải.
Tòa nhà Bureau du Chemin de Fer của Công ty hỏa xa Đông Dương khánh thành năm 1914. Ảnh tư liệu |
Từ sau năm 1975, tòa nhà thuộc quyền quản lý của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Hiện nay, trụ sở Hỏa xa do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, trong đó bố trí chỗ làm việc cho Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, phòng điều hành vận tải đường sắt Sài Gòn, phân ban quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực 3, Ban quản lý đường sắt khu vực 3.
Ngày nay, trụ sở hỏa xa là nơi làm việc của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn |
Nơi đây chính là một trong những cột mốc ký ức quý hiếm còn lại của một khu vực thương mại - giao thông nhộn nhịp bậc nhất miền Nam.
Công trình tọa lạc tại số 131 đường Hàm Nghi, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM
Phòng Thương mại (Chambre de commerce) đầu tiên mà người Pháp xây dựng năm 1928 trên đường Quai de Belgique, góc ngã 3 với đường Mac Mahon. Theo thông tin được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM công bố sau này, nơi này được lập bộ (ghi vào sổ sách) vào ngày 5-11-1934.
Phòng Thương mại (Chambre de commerce) đầu tiên mà người Pháp xây dựng năm 1928. Ảnh tư liệu |
Là một trong những kiến trúc dinh thự đầu tiên của người Pháp ở miền Nam Việt Nam, tòa Chambre de commerce mới được xây dựng theo trường phái chiết trung (đại diện cho sự bình đẳng), pha trộn giữa phong cách tân cổ điển với các trang trí nghệ thuật, các yếu tố được học hỏi từ kiến trúc Chăm - Khmer. Năm 1955, tòa nhà Chambre de commerce được cải tạo thành một địa điểm hội họp, lấy tên là Hội trường Diên Hồng.
Sau ngày thống nhất, tòa nhà Hội trường Diên Hồng tiếp tục được sử dụng để làm trụ sở làm việc của một số cơ quan và đơn vị hành chính sự nghiệp cho đến năm 1999.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM ngày nay |
Năm 2007, nơi đây thành Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM với vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỷ đồng và Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM tọa lạc tại góc đường Võ Văn Kiệt - Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Kho bạc Nhà nước TP.HCM
Tòa nhà Kho bạc Sài Gòn (Trésor Saigon) xây dựng vào năm 1917. Đến năm 1955, nơi này đổi tên thành Kho Ngân khố - một cơ quan chánh phủ thời Đông Dương thuộc Pháp, liên quan đến tài chính và thuế hay là một nơi lưu giữ tiền tệ và vàng, kim cương thời đó.
Tòa nhà Kho bạc Sài Gòn (Trésor Saigon) xây dựng vào năm 1917. Ảnh tư liệu |
Ngày nay Kho Ngân khố được gọi là Kho bạc Nhà nước TP.HCM và tọa lạc tại 37 đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. |