Tại Đà Lạt, mô hình nhà kính bắt đầu xuất hiện từ những năm 1990 và đã chứng minh hiệu quả sản xuất mang lại khá cao, doanh thu có thể đạt từ 350 triệu đến 10 tỉ đồng/ha/năm, tùy mô hình. Chính vì vậy, nhà kính ở Đà Lạt gia tăng với tốc độ "chóng mặt", từ vài chục ha ban đầu, đến nay đã lên 2.693 ha (chiếm khoảng 59% diện tích nhà kính toàn tỉnh) trên tổng số 10.500 ha đất canh tác của Đà Lạt. Toàn TP.Đà Lạt có 12 phường, 4 xã, nhà kính được người dân làm ngay trong khu vực nội đô (tại phường 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12), đặc biệt tại P.12 tỷ lệ diện tích nhà kính chiếm đến 83,7% diện tích canh tác, các phường 5, 7, 8 là trên 60%.
Do không có quy hoạch nên hầu hết nhà kính được làm tự phát, xây dựng tràn lan ở mọi nơi, mọi địa hình. Ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho biết sẽ kiên quyết xử lý, buộc tháo dỡ nhà tạm, các công trình phụ lấn chiếm hành lang các khe suối, nhằm bảo đảm việc thoát nước thông suốt. Song song đó, TP.Đà Lạt sẽ thực hiện nghiêm đề án của tỉnh, đến năm 2030 đưa toàn bộ nhà kính, nhà lưới ra khỏi khu trung tâm thành phố.
Nói về vấn đề quy hoạch, sau vụ sạt lở đất khiến nhiều người thương vong, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: "Trách nhiệm chính thuộc về địa phương nơi xảy ra vụ việc, nhưng với trách nhiệm gián tiếp của UBND tỉnh, của người đứng đầu UBND tỉnh, tôi nhận trách nhiệm về mặt quản lý. Đây là bài học đắt giá trong quản lý xây dựng".
Sạt lở đất nghiêm trọng ở Đà Lạt: ‘Đừng đổ thừa cho thiên tai'
Theo ông Hiệp, vụ sạt trượt bờ kè bê tông ở hẻm 36 Hoàng Hoa Thám vừa rồi theo nhận định ban đầu, giữa thiết kế và thi công không đúng theo bản vẽ thiết kế được duyệt và không đúng với quy định của tỉnh. Theo quy định, bờ ta luy chỉ được xây chiều cao 4 m, nhưng tại công trình này bờ kè xây cao cả 10 m. Trong thiết kế có ép cọc nhồi, nay hiện trường đang bị đất lấp, cơ quan công an đang kiểm tra, xem quá trình thi công thì đơn vị thi công có làm đúng không. Qua vụ việc này cho thấy trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan có trách nhiệm chưa thật sâu sát, việc cho chủ đầu tư đổ 2.100 m3 đất có bờ kè tường bê tông vây quanh tạo thành cái "phễu" hứng nước khi mưa lớn kéo dài đã gây sạt bờ kè và đất xuống phía dưới. Công trình bị sụp đổ có đến 4 lô đất của 4 chủ khác nhau hợp khối, do đó cần phải kiểm soát kỹ.
Theo ông Hiệp, qua vụ sạt lở vừa rồi là lời cảnh báo cho người dân, là bài học cho các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và trật tự xây dựng. Trước đây Quyết định 41 năm 2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép người dân xây nhà cao tối đa 19 m, nhưng sắp tới chỉ cho phép xây nhà cao 19 m ở những nơi địa chất đảm bảo; những vùng địa chất yếu sẽ hạn chế chiều cao công trình.
Ông Hiệp khẳng định việc quản lý đô thị Đà Lạt phải xem xét lại một cách kỹ lưỡng và thận trọng. Đặc biệt phải rất cân nhắc trong việc cấp phép xây dựng ở những vị trí có khả năng sạt trượt cao, phải có quy định riêng. Tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng khảo sát, đánh giá tất cả những vị trí, kể cả khu dân cư mới để giảm tải nơi nền đất yếu, cấu tạo địa chất phức tạp.