Có hay không việc “bắt chẹt” khách đặt phòng tại Bình Thuận?
Dịp hè năm nay, ngành du lịch tỉnh Bình Thuận hưởng lợi lớn khi tuyến cao tốc Mũi Né - Dầu Giây đi vào hoạt động, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Tp.HCM đến địa danh Mũi Né, Tp.Phan Thiết còn khoảng 2,5 giờ. Thời gian lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, có khoảng 160.000 lượt khách đến tỉnh Bình Thuận, chủ yếu là đến phường Mũi Né tham quan, nghỉ dưỡng, đông gấp đôi so với cùng dịp này năm ngoái và được dự báo sẽ đón lượng khách lớn trong suốt mùa hè.
Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp lữ hành, nhiều khách sạn, resort ở phường Mũi Né không nhận các đoàn khách lưu trú 1 đêm, đồng thời ép đối tác lữ hành phải đặt từ 2-3 bữa ăn tại nhà hàng của khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resort) mới nhận khách.
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Kiwi Travel, Tp.HCM cho hay, trước đây, một số khách sạn ở Mũi Né từng đặt ra những yêu cầu trên. Gần đây, kiểu kinh doanh này trở nên phổ biến hơn.
Đa số khách sạn, resort ở đây chỉ nhận đoàn lưu trú từ 2 đêm trở lên và từ chối các đoàn chỉ lưu trú 1 đêm. Có những khách sạn nhận đặt phòng 1 đêm nhưng lấy giá 2-2,2 triệu đồng thay vì chỉ 1,5 triệu đồng/đêm. Một số khách sạn không ép giá nhưng ép khách dùng 1-2 bữa ăn tại nhà hàng của khách sạn với giá cao gần gấp đôi so với bên ngoài.
“Việc này đang khiến các doanh nghiệp lữ hành khó thiết kế, tổ chức tour. Khách đoàn từ Tp.HCM thường du lịch vào 2 ngày cuối tuần nên chỉ lưu trú đêm thứ Bảy rồi trả phòng vào trưa Chủ nhật. Có khách sạn ở Mũi Né ban đầu từ chối cho thuê phòng 1 đêm nhưng cận ngày, có thể do ế khách, đã gọi lại hỏi chúng tôi còn nhu cầu không. Với kiểu làm ăn như thế, chúng tôi không thể xoay xở làm tour kịp”, ông Huy lo ngại.
Ông Trần Thanh Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP du lịch quốc tế Vina Group cho biết: "Các cơ sở lưu trú này đều nói trước chỉ nhận khách đặt hai đêm, còn ở một đêm thì hết phòng. Ngoài ra, họ cũng gợi ý đặt thêm một bữa ăn cho đoàn thì tỉ lệ có phòng sẽ cao hơn. Điều này rất khó vì các đoàn doanh nghiệp tổ chức hội họp thường tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần".
Phản hồi vấn đề này, ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cho rằng, với ưu đãi dành cho du khách ở nhiều đêm, cơ sở lưu trú sẽ đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn để bù lại những ngày vắng, có điều kiện chăm chút hơn cho khách. Nếu không đáp ứng được điều kiện này (thời gian lưu trú, bữa ăn bắt buộc...), du khách vẫn còn nhiều lựa chọn các cơ sở khác. Tuy nhiên, ông Bình khẳng định cách làm này không đại diện cho cả ngành du lịch địa phương.
"Phần lớn các cơ sở có công suất phòng cao mới làm như vậy, vì đó là chiến lược của họ. Đây là việc giữa các cơ sở lưu trú với lữ hành. Việc kinh doanh kiểu này không đại diện cho ngành du lịch địa phương", ông Bình nói và cho rằng chính sự hài lòng của khách hàng mới là thước đo cuối cùng trong kinh doanh.
Hình ảnh du lịch Phú Quốc bị tổn hại
Từ dịp 30/4 – 1/5, lượng khách giảm và những phản hồi tiêu cực trên mạng xã hội khiến hình ảnh du lịch Phú Quốc phần nào bị tổn hại. Các doanh nghiệp, cá nhân làm du lịch tại Phú Quốc kỳ vọng có sự cầu thị và chuyển biến, để điểm đến này lấy lại vị thế như trước đây.
Bà Lê Thị Hải Châu, Tổng thư ký Hội Đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc thừa nhận, năm 2022 là một năm phát triển du lịch rất ấn tượng của Phú Quốc và được hy vọng là tiền đề tạo nên sức bật cho năm 2023. Tuy nhiên, thực tế cho tới thời điểm này thì kết quả không được như kỳ vọng cả về số lượng du khách, tỷ lệ lấp đầy, thị phần và dĩ nhiên, doanh thu so với cùng kỳ là kém hơn.
Theo bà Châu, lượng khách hạn chế so với các năm trước ảnh hưởng đến tài chính doanh nghiệp tại Phú Quốc vì các chi phí bảo trì, bảo dưỡng, bảo hành phải thực hiện định kỳ không thể trì hoãn.
Ông Trương Công Tâm, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp Phú Quốc cho rằng, công tác quản lý dịch vụ du lịch tại Phú Quốc còn nhiều hạn chế, cũng là nguyên nhân khiến cho du khách phàn nàn thời gian vừa qua. Phú Quốc là điểm du lịch nổi tiếng, mà những hạn chế, bất cập không được giải quyết thì sẽ gây bức xúc cho du khách. Đây là những vấn đề đã và đang tồn tại.
Theo ông Tâm, tại Phú Quốc hiện nay một số xe vận chuyển khách du lịch nhỏ lẻ, chộp giật cố ý lấy giá thấp, tư vấn không đúng, nói sai sự thật, để lôi kéo khách, sau đó đưa vào các trung tâm mua sắm và những cơ sở kinh doanh không đúng chuẩn. Hoặc ở khu vực ngã 5 chợ đêm Phú Quốc thì tình trạng xe taxi, xe điện, đậu tràn lan gây mất trật tự và gây nguy hiểm cũng như làm mất mỹ quan thành Phố. Hay ở bến cảng phía Nam đảo Phú Quốc, một số tàu và cano chưa làm đúng quy định theo an toàn hàng hải, người bán hàng rong thì xe chở khách vừa đến cảng thì hàng chục người ùa ra, vây lấy khách để bán hàng.
"Có rất nhiều người từ nơi khác đến và mở những nhà hàng, quán ăn, dịch vụ du lịch… giá cả loạn lên hết, vì họ đến sau nên để giành thị phần với những đối thủ lâu năm bằng những cách không lành mạnh, hoặc gửi tiền mặt tính trên đầu người khi các xe đưa tới. Điều đó dẫn đến việc khi khách sử dụng dịch vụ thì mức giá cũng tăng lên, mặc dù có niêm yết giá nhưng mức giá cao vô lý", ông Tâm nói.
Tiếp thu góp ý từ du khách, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND Tp.Phú Quốc khẳng định, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra giá, niêm yết giá, thường xuyên tuyên truyền các cơ sở kinh doanh dịch vụ, đặc biệt cơ sở ăn uống bán đúng giá niêm yết. Cơ quan quản lý sẽ cương quyết xử lý các trường hợp bán không đúng giá niêm yết hoặc chặt chém. Các trường hợp này sẽ bị xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
“Làm du lịch không phải một sớm, một chiều mà phải làm lâu dài, làm bền vững, làm suốt đời, làm du lịch đúng theo cái tâm, cái tầm phát triển của một quốc gia hay một địa phương. Bằng mọi cách phải giữ được môi trường kinh doanh, hoạt động du lịch, dịch vụ cho tốt hơn. Chính quyền thành phố sẽ tập trung quyết liệt, xây dựng Phú Quốc trở thành điểm đến thân thiện, đảm bảo nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước”, ông Huỳnh Quang Hưng nhấn mạnh.