Trong 18 tuyến đường trục chính bị ngập trên toàn TP.HCM thì TP.Thủ Đức có tới 6 tuyến đường: Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân và QL1; dù có trong kế hoạch giảm ngập giai đoạn 2021-2025 nhưng các dự án chưa được giao vốn. Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá nếu không được bố trí vốn trung hạn và bổ sung vốn chuẩn bị đầu tư, thì các tuyến đường này khó mà hết ngập vào năm 2025.
Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ TP.Thủ Đức cho thấy chỉ 21 tuyến hẻm và một vài tuyến đường như Võ Văn Chí, Lê Hữu Kiều được đưa vào sử dụng. 8 công trình trọng điểm cấp bách, đóng vai trò kết nối quan trọng của địa phương được Thủ Đức kiến nghị ưu tiên bố trí vốn, hiện vẫn án binh bất động hoặc dang dở, gồm: xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân; nâng cấp, mở rộng 5 tuyến đường (Nguyễn Duy Trinh, Lã Xuân Oai, Nguyễn Thị Định, Hoàng Hữu Nam, Lê Văn Việt) và 2 cây cầu (Long Đại và Bà Cả).
TP.Thủ Đức cũng vừa đề xuất đầu tư thêm 6 tuyến đường với tổng mức đầu tư gần 30.800 tỉ đồng: 3 đoạn thuộc tuyến Vành đai 2 (từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía đông đến xa lộ Hà Nội, từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng), khép kín đường nối ngã ba Gò Công đến nút giao Trạm 2, đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu…, nhưng cũng chưa có tiền để làm.
Hạ tầng thiếu đồng bộ đang là một điểm nghẽn lớn và đặt ra nhiều thách thức, khi cả giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách địa phương của TP.Thủ Đức chưa tới 8.200 tỉ đồng.
Tuy nhiên, hạ tầng không phải là điểm nghẽn duy nhất khiến người dân ngán ngẩm mà còn là thủ tục hành chính trở nên rườm rà, mất thời gian hơn trước. Lý do thì có nhiều, nhưng theo giải thích của lãnh đạo TP.Thủ Đức: cùng một việc, trước đây ở 3 quận thì có 3 người làm, còn nay chỉ 1 người làm.
Tại thời điểm thành lập, tổng số biên chế công chức và người lao động tại các cơ quan chuyên môn của TP.Thủ Đức là 686 người. Nhưng theo Đề án 591 năm 2020 của Chính phủ về thành lập TP.Thủ Đức thì đến cuối năm 2022 phải giảm còn 459 người, giảm 227 biên chế, tỷ lệ 33%. Điển hình như Phòng Quản lý đô thị TP.Thủ Đức thực hiện chức năng của 3 Sở (Xây dựng, QH-KT, GTVT) quản lý gần 6.150 tuyến đường và hẻm, 177 cầu, 231 km cống thoát nước, 64 công viên… Năm 2022, Phòng Quản lý đô thị xử lý gần 8.000 hồ sơ hành chính, nhưng chỉ có 56 cán bộ, công chức.
Năm 2022, tỷ lệ hồ sơ hành chính của TP.Thủ Đức đúng hẹn chỉ đạt 92%, trong đó lĩnh vực đất đai, xây dựng có hồ sơ trễ hẹn lớn.
Ngày 1.7, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Thủ Đức đã thông qua nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 98, tập trung hoàn thiện bộ máy chính quyền và khơi thông các điểm nghẽn trên...